(TBKTSG Online) - Qua bốn tháng đầu năm 2015, xuất khẩu vẫn khó khăn, nhập khẩu chưa được như mong muốn. Tiếp nối cơn tái phát nhập siêu trong quí 1, nhập siêu bốn tháng đầu năm 2015 đã chiếm 2/3 chỉ tiêu nhập siêu cả năm (3,3 tỉ đô la Mỹ/5 tỉ đô la Mỹ). Đã có nhiều giải trình qua các nhóm mặt hàng, nay minh họa qua thị trường.

Điểm các thị trường

Bốn tháng đầu năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực thị trường châu Á chỉ tăng 6% trong khi mức tăng chung là 8,2%. Có 10/26 thị trường xuất khẩu thua cùng kỳ năm ngoái, trong đó có những thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản... Nông lâm sản vào  Trung Quốc, thủy sản vào Nhật Bản không suôn sẻ như trước. 

Với khu vực châu Âu, xuất khẩu tăng tương ứng với mức tăng chung, song 13/23 thị trường giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Khối EU đóng góp 10 tên tuổi. Trong ba thị trường còn lại có hai thị trường truyền thống là Nga và Ukraina.

Khu vực châu Mỹ tăng ấn tượng 17,6% thì Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam chỉ tăng 15,5%. Một số nước có tỷ lệ tăng cao nhưng kim ngạch lại quá nhỏ. Chile tăng 102% nhưng toàn bộ kim ngạch chỉ là 207 triệu đô la Mỹ. Colombia tăng 41% nhưng phần tăng chỉ vẻn vẹn 29 triệu đô la Mỹ. 

Các khu vực thị trường còn lại buôn bán vẫn nhỏ, nếu có tỷ lệ tăng trưởng lớn cũng chẳng thể vực xuất khẩu toàn cục, duy trì đà tăng trưởng cao, huống hồ bốn tháng qua, xuất khẩu vào các khu vực này cũng khiêm tốn. Châu Phi tăng 7,2%, châu Úc tăng 1,2%.

Nguy càng nguy, cơ thì càng giảm

Nét phổ biến trong bốn tháng qua là nhập khẩu từ các thị trường tăng trưởng hơn xuất khẩu vào chính các thị trường đó, dẫn tới hệ lụy: thị trường vốn nhập siêu “khủng” thì càng nhập siêu; thị trường từng xuất siêu thì xuất siêu chững lại, nhấp nhổm đổi chiều.

Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 26% trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 1,2% so với cùng kỳ 2014, nên nhập siêu từ Trung Quốc trong bốn tháng đã tới 10,6 tỉ đô la Mỹ, gấp 3,2 lần nhập siêu của cả nước trong bốn tháng, đứng đầu nhập siêu từ các thị trường.

Hàn Quốc vẫn là á quân nhập siêu với Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2015, với 6,5 tỉ đô la Mỹ, trong khi bốn tháng đầu năm 2014 chỉ là 5,1 tỉ đô la Mỹ. Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) vừa được ký, vị thế đó của Hàn Quốc có bị hạ bệ hay không tùy thuộc ở ta một phần, phần còn lại - đối tác - thì nhất quyết sẽ tận dụng để tiếp tục tăng xuất sang ta.

Bốn tháng qua, xuất khẩu vào Thái Lan tăng 10% thì nhập khẩu từ thị trường này tăng 23%, nên thời điểm này năm ngoái, ta chỉ nhập siêu từ Thái Lan 900 triệu đô la Mỹ, năm nay đã là 1,2 tỉ đô la Mỹ. 

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất siêu số một của Việt Nam nhưng do bốn tháng đầu năm 2015 xuất khẩu chỉ tăng 15% trong khi nhập khẩu tăng tới 18% nên kết cục xuất siêu chỉ tăng 14% so với cùng kỳ 2014.

Khối EU vẫn là thị trường đứng thứ hai về xuất siêu của Việt Nam sau Hoa Kỳ, song cũng có biểu hiện tương tự, xuất khẩu tăng thấp hơn nhập khẩu với cặp số tương ứng là 10% và 13%.

Là thị trường xuất siêu lõi của Việt Nam trong khu vực ASEAN, nhưng bốn tháng qua, xuất khẩu vào Campuchia chỉ bằng 96% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu lại tăng 41%, khiến trị giá xuất siêu chỉ bằng 71% cùng kỳ năm ngoái.

Nhật Bản, từng quí rồi cả năm 2014 Việt Nam xuất siêu, đến bốn tháng đầu năm nay đã có mầm mống nhập siêu vì xuất khẩu giảm 5%, nhập khẩu tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.      

Liên quan đến việc phát triển thị trường xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản, cơ quan quản lý ngành vừa họp, đưa ra các giải pháp như tăng cường thông tin về mối hàng, giá cả; nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của xúc tiến xuất khẩu; tận dụng các cơ hội thị trường; tháo gỡ các rào cản...

Thực ra, đây cũng là các giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nói chung. Tiếc rằng, nhiều năm qua, những điều này cũng chỉ là điệp khúc trên giấy. Quyết tâm từ phòng họp có bảo ban được thương trường hay không vẫn xa vời vợi, trong khi các hiệp định FTA đã và đang hối hả tới rất gần.

Nguồn: TBKTSG