3 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đạt tăng trưởng GDP cao, nhưng 2008 - 2009 tốc độ giảm mạnh, bộc lộ nhiều điểm yếu cơ bản về chất lượng tăng trưởng, như chi phí cao, giá trị gia tăng và năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh hạn chế...
Đó là một phần đánh giá được Văn phòng Chính phủ đề cập trong Dự thảo Báo cáo Tác động kinh tế - xã hội sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO. Dự kiến Báo cáo sẽ được trình Chính phủ sau khi lấy ý kiến tại Hội thảo: “Đánh giá Tác động kinh tế - xã hội sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO”, do Văn phòng Chính phủ tổ chức hôm nay (24/5).

Hội nhập kinh tế quốc tế tác động lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực thương mại quốc tế và đầu tư, từ đó lan toả đến sản xuất trong nước, tạo việc làm và giảm nghèo.

Trong 3 năm đầu gia nhập WTO, nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tình hình kinh tế thế giới như giá cả tăng cao, khủng hoảng tài chính thế giới... Chính phủ đã có những phản ứng càng linh hoạt.

Việt Nam đã sửa đổi và ban hành mới nhiều văn bản pháp lý nhằm “nội luật hóa” các cam kết gia nhập WTO, tạo điều kiện cho các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện đúng các cam kết.

Việt Nam đang có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết gia nhập WTO. Khu vực tư nhân có hiệu quả hơn doanh nghiệp nhà nước và FDI về nhiều mặt.

Khu vực tư nhân đã và đang trở thành động lực phát triển, nhưng đây cũng chính là khu vực thể hiện rõ tình trạng phân biệt đối xử (so với doanh nghiệp nhà nước), đặc biệt về tiếp cận các nguồn lực... khiến hiệu quả suy giảm dần.

Theo các đại biểu, việc xét về tăng trưởng kinh tế và việc làm, phải chú trọng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi, thủy sản và chế biến nông sản...

Cơ cấu giá thành của nền kinh tế đang thay đổi theo thời gian, giảm chi phí lao động và lợi nhuận... đã chỉ rõ khả năng cạnh tranh yếu. Bên cạnh đó, hàng nhập từ Trung Quốc, ASEAN và các nước khác tác động đến cơ sở công nghiệp và chương trình công nghiệp hóa của Việt Nam.

“Vì vậy, cần phát triển công nghiệp hóa theo hướng tăng giá trị nội địa và tham gia hiệu quả vào mạng sản xuất khu vực, cũng như toàn cầu, đồng thời nâng cao trình độ công nghệ và quản trị, hạ tầng cứng, và mềm...”, bà Phạm Chi Lan nói.

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử