Doanh nghiệp (DN) FDI hoạt động tại Việt Nam vẫn chủ yếu là các DN quy mô nhỏ, tập trung cho xuất khẩu và có mức lãi tương đối thấp. Do các DN này thường cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các nhà sản xuất lớn hơn hoặc công ty đa quốc gia, họ thường nằm ở vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm.

Quy mô nhỏ

Kết quả trên được đưa ra sau đợt khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với 1.491 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 43 quốc gia khác nhau, hoạt động trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam có mật độ DN FDI tập trung cao nhất. Theo tiêu chuẩn quốc tế, DN FDI tại Việt Nam có quy mô tương đối nhỏ, trung bình có khoảng 125 lao động và khoảng 77% DN FDI tại Việt Nam có dưới 300 lao động. Trên thực tế, 30% trong số này có ít hơn 50 lao động. Trong số các DN được khảo sát, không có nhiều DN lớn, chỉ khoảng 90 DN có trên 1.000 lao động.

Điều tra cũng cho kết quả tương tự khi các chuyên gia phân loại theo quy mô vốn đầu tư. Vốn đầu tư trung bình khoảng 1,2 triệu USD và 62% DN FDI được cấp phép đầu tư với số vốn dưới 2,5 triệu USD. Chỉ có 6% DN được cấp phép đầu tư trên 25 triệu USD. Theo loại hình đầu tư, 88% DN FDI tham gia khảo sát là DN 100% vốn nước ngoài - con số này cũng tương đồng với số liệu điều tra DN của Tổng cục Thống kê. Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI, điều này rất đáng chú ý, bởi trong thời gian đầu Việt Nam mới mở cửa cho đầu tư nước ngoài (1987 – 1991), nhà đầu tư nước ngoài không được góp vốn 100% mà buộc phải liên doanh với DN Nhà nước. Mặc dù sau khi Luật Đầu tư nước ngoài được sửa đổi năm 1991 cho phép loại hình đầu tư này, trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài vẫn phải tìm được đối tác là DN Nhà nước mới tiếp cận được Luật Đất đai. Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi năm 1996 đã tạo điều kiện cho loại hình DN 100% vốn nước ngoài. “Nhờ vậy, hiện nay loại hình này đã tăng vọt về số lượng và trở thành phổ biến nhất. Chỉ 8% là loại hình DN liên doanh và chỉ 5% đăng ký hoạt động trong nước” - ông Tuấn lý giải.

Doanh thu chủ yếu từ xuất khẩu

Về lĩnh vực hoạt động, 64% DN FDI được khảo sát hoạt động trong ngành sản xuất chế tạo, trong khi chỉ có 33% tham gia lĩnh vực dịch vụ và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, hoạt động trong ngành sản xuất chế tạo rất đa dạng và không hoạt động đơn lẻ nào chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Phân nhỏ ngành sản xuất chế tạo cho chính xác hơn, các chuyên gia cho rằng, có 3 ngành lớn trong năm 2014 là sản xuất cơ khí (7,4%), cao su và nhựa (6,7%) và may mặc (5,6%). Dệt may, chế biến thực phẩm, hóa phẩm, giấy, điện tử và máy vi tính là các ngành sản xuất lớn thứ hai, mỗi ngành chiếm khoảng 3%. Các ngành khác như da giày, máy móc, kim loại chiếm dưới 2%. Các ngành dịch vụ lớn nhất là bán buôn và bán lẻ (9,6%), thông tin - viễn thông (6,5%) và xây dựng (4%).

Doanh thu của các DN FDI phần lớn là từ hoạt động xuất khẩu sang nước xuất xứ, hoặc sang nước thứ ba, hoặc cho các DN và cá nhân nước ngoài khác tại Việt Nam. Mô hình này là biểu hiện của các chuỗi cung ứng đa quốc gia đặc trưng cho các DN FDI hoạt động tại Việt Nam. Khoảng 39% DN bán hàng hóa, dịch vụ cho các cá nhân và DN dân doanh trong nước. Đây là một dấu hiệu phát triển rất tích cực, vì nó cho thấy sự lan tỏa từ các DN FDI vào nền kinh tế trong nước. Doanh số bán hàng cho DN và cơ quan Nhà nước tiếp tục giảm so với các năm trước.

Ông Edmund Malesky - GS. TS Kinh tế Đại học Duke (Hoa Kỳ) - nhận xét: Dường như xu thế liên kết nội địa giữa các DN FDI ở Việt Nam đang tăng lên. Trong khảo sát PCI năm 2014, DN được yêu cầu liệt kê các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ trung gian của mình. Có tới 88% DN FDI sử dụng dịch vụ, hàng hóa trung gian của các nhà cung cấp trong nước, bao gồm DN Nhà nước, DN nội địa và các DN hộ gia đình. Năm 2011, con số này chỉ là 42%. Đáng chú ý, các nhà cung cấp tư nhân trong nước còn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số nhà cung cấp (61%) so với 11% nhà cung cấp là DNNN năm 2014. Tuy nhiên, nguồn cung ứng nước ngoài vẫn đóng vai trò quan trọng. 8,1% DN FDI  mua hàng hóa, dịch vụ đầu vào thông qua công ty mẹ, 54% mua một số mặt hàng từ nước xuất xứ và 34% mua từ nhà cung cấp nước thứ ba. “Sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài của các DN FDI tại Việt Nam cũng đang khiến Chính phủ đang lo lắng về nguy cơ chuyển giá tại Việt Nam”, ông Edmund Malesky nói.

Nguồn: Báo Công Thương