Vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam đang giảm mạnh. Tuy nhiên, nếu môi trường đầu tư sớm được cải thiện, cơ hội hút vốn từ Nhật Bản vẫn rất lớn.

Năm 2012-2013, các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản giữ vị trí “quán quân” trong đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) lần lượt đạt 5,23 tỷ USD, chiếm 39,5% tổng vốn đầu tư và 5,7 tỷ USD, chiếm 26,6% tổng vốn đầu tư. Tuy nhiên, năm 2014, vốn FDI Nhật Bản vào Việt Nam đã bắt đầu chững lại, Nhật Bản đã không còn là “quán quân” trong đầu tư tại Việt Nam.

Cụ thể, năm 2014, Việt Nam thu hút được 20,23 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, vốn FDI từ Nhật Bản đạt 2,05 tỷ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Với kết quả này, Nhật Bản đứng thứ 4/60 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, sau Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore.

Bước sang năm 2015, vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam tiếp tục có dấu hiệu chững lại. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, 4 tháng đầu năm Việt Nam thu hút được 3,722 tỷ USD vốn FDI từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Nhật Bản vẫn chỉ đứng ở vị trí thứ 4 với 374,2 triệu USD, thấp hơn rất nhiều quốc gia dẫn đầu là Hàn Quốc với 908,88 tỷ USD.

Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro), tỷ lệ nội địa hóa vẫn là vấn đề lớn đối với các nhà đầu Nhật Bản tại Việt Nam. Hiện tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam mới đạt 33,2%, thấp hơn rất nhiều Trung Quốc với 66%; Thái Lan 55%... nguyên nhân cũng bởi ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam chưa phát triển.

Tại buổi gặp gỡ với Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vào ngày 13/5 mới đây, ông Soma Katsuyohi - Tổng giám đốc Canon Việt Nam cũng cho biết, mỗi năm Canon Việt Nam phải chi tới 40 triệu USD để nhập các sản phẩm khuôn mẫu của nước ngoài về Việt Nam phục vụ cho sản xuất. Mong muốn lớn nhất của Canon Việt Nam lúc này là Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để Canon có thể tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm của mình tại Việt Nam.

Một vấn đề nữa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định đầu tư của các DN Nhật Bản tại Việt Nam, đó là vấn đề lao động. Theo một số nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, lao động Việt Nam hầu hết không có tay nghề, do đào tạo không sát với nhu cầu thực tế. Nên sau khi tuyển vào DN phải tiến hành đào tạo lại, tuy nhiên sau khi được đào tạo họ lại không gắn bó lâu dài với công ty mà chuyển đi làm công ty khác. Vấn đề này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và quyết định đầu tư của công ty. Giới đầu tư Nhật Bản mong muốn có một đội ngũ lao động có tay nghề, muốn như vậy Chính phủ cần có những hình thức đào tạo gắn với thực tế, để người lao động vào DN có thể phát huy được ngay khả năng của mình.

Mặc dù vẫn còn những “nút thắt” nhưng nhiều nhà đầu tư Nhật Bản khẳng định môi trường đầu tư tại Việt Nam đang được cải thiện tích cực. Vấn đề thiếu điện cho sản xuất đã được giải quyết, cơ sở hạ tầng đã được cải thiện. Khảo sát của Jetro vào năm 2013 và 2014 đều khẳng định trên 65% DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam có ý định mở rộng sản xuất kinh doanh, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với một số nước trong khu vực. Đây là tín hiệu cho thấy cơ hội để Việt Nam hút vốn FDI từ Nhật Bản vẫn rất lớn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tính đến hết tháng 4/2015, các DN Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 2.619 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 37,6 tỷ USD, đứng thứ 2/103 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Nguồn: Báo Công Thương