Gần đây, Tờ Financial Times nhận định, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai vào thị trường Mỹ, chiếm 11% thị trường này. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mang lại nhiều cơ hội cho dệt may Việt Nam. Không thể không kỳ vọng.

Song, nhiều chuyên gia kinh tế có chung nhận xét: TPP là “bông hoa có nhiều... gai nhọn”. Một trong những “chiếc gai nhọn” khiến dệt may Việt Nam dễ “chùn tay” là quy tắc xuất xứ nguyên liệu. Ví dụ, để hưởng lợi thuế suất giảm từ TPP, nguồn vải phải nhập từ các nước trong TPP. Do đó, vấn đề lớn nhất của dệt may Việt Nam là kiếm tìm nguồn vải mới hoặc dùng vải sản xuất ngay tại Việt Nam- điều nói thì dễ mà thực thi khó vô cùng.

Theo chuyên gia thuộc Trung tâm phát triển toàn cầu (The Center for Global Development), Mỹ dựng hàng rào ngăn cản việc sử dụng nguyên liệu may mặc từ các thị trường ngoài TPP, đặc biệt từ Trung Quốc. Trong khi đó, vải và nguyên phụ liệu dệt may Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc rất lớn.

Đó là thực tế không thể phủ nhận. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2014, trong 9,42 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu vải có 4,66 tỷ USD nhập từ Trung Quốc.

Hết 4 tháng đầu năm 2015, góp mặt trong nhóm 5 mặt hàng nhập khẩu “tỷ đô” từ Trung Quốc, gồm: Máy móc, thiết bị, phụ tùng (2,9 tỷ USD), điện thoại và linh kiện (2,4 tỷ USD), máy vi tính, điện tử và linh kiện (1,55 tỷ USD), sắt thép (1,23 tỷ USD), mặt hàng vải đã tới con số 1,47 tỷ USD- chiếm một nửa trong 2,96 tỷ USD tổng kim ngạch nhập khẩu vải. Đó là chưa kể 488 triệu USD vải nhập từ thị trường Đài Loan, hơn 83 triệu USD vải nhập từ thị trường Hồng Kông.

Ngoài vải, nguyên phụ liệu và xơ sợi dệt nhập khẩu không nhỏ chút nào. 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu tới 1,54 tỷ USD, xơ sợi dệt 486 triệu USD; trong đó riêng nhập từ Trung Quốc 531 triệu USD nguyên phụ liệu, 194 triệu USD xơ sợi dệt.

Làm thế nào trong thời gian ngắn dệt may Việt Nam thay đổi địa chỉ thị trường nhập khẩu hàng tỷ USD nguyên liệu vải? Chắc phải... “bắc thang lên hỏi ông trời”?

Không phải tự nhiên Financial Times khẳng định, vị thế mạnh của một số nước trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là Trung Quốc, sẽ làm giảm lợi ích kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á xuất khẩu chủ yếu dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ khi tham gia vào các hiệp định thương mại có những quy tắc hết sức chặt chẽ, nghiệt ngã về xuất xứ.

Quả thật, tận hưởng “trái ngọt” từ TPP không hề dễ dàng!

Nguồn: Báo Công Thương