Con số ấn tượng & Sự đánh giá khách quan
10/06/2015 7Mới đây, trang tin News Aktuell của Hãng thông tấn Đức (DPA) có bài viết với tiêu đề “Kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong quý I/2015”, khẳng định: Kinh tế Việt Nam quý I/2015 đã đạt mức tăng trưởng cao 6,03%.
Đây là mức tăng mạnh nhất theo quý trong vòng 5 năm trở lại đây, cho thấy sự phục hồi bền vững của kinh tế Việt Nam. Sản xuất công nghiệp quý I/2015 tăng tới 9,1% - mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay. Tăng trưởng tiêu dùng cũng tới 9,2% nhờ tỷ lệ thất nghiệp giảm, niềm tin tiêu dùng gia tăng... Bài viết đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu qua việc ký kết các FTA với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á- Âu và đang thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trước đó, trong cuộc tiếp xúc với báo chí tại TP.Hồ Chí Minh ngày 29/5, ông Charles H.Rivkin- trợ lý Ngoại trưởng phụ trách kinh tế và thương mại Hoa Kỳ- đã thẳng thắn: Nên nhìn một cách tích cực TPP sẽ giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ khi đến đầu tư ở thị trường nào đều mong muốn ba điều: Tính minh bạch, khả năng dự báo cao, tinh thần thượng tôn pháp luật, tất cả đều thể hiện rõ trong các cam kết TPP.
Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham) đang háo hức muốn rót vốn đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn nữa...
Bên cạnh đó còn nhiều góc nhìn khách quan khác khá lạc quan mới đây của báo chí, các tổ chức, tập đoàn kinh tế... trên thế giới về sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng, không phải tất cả đều là “màu hồng”.
Ngay bài viết trên trang tin News Aktuell cũng dẫn nhận định của các chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng: Tốc độ tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu...
Hồi cuối tháng 4, trang tin kinh tế Economy Watch có bài viết với những nhận xét đáng chú ý: Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014- 2015 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam xếp thứ 99 trong số 144 nền kinh tế về mức độ sẵn sàng công nghệ và xếp thứ 118 trong việc áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất. Dường như công nghệ lạc hậu đang “kìm chân” kinh tế Việt Nam, làm cho các nhà sản xuất Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nước khác trên thế giới. Một trong những vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam là thiếu một ngành công nghiệp mũi nhọn, trong khi các nước châu Á khác thường tập trung vào những ngành công nghiệp chủ đạo, chẳng hạn, Hàn Quốc là công nghiệp cơ khí, Nhật Bản hướng vào điện tử tiêu dùng...
Còn rất nhiều thách thức, cam go mà cả nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam buộc phải vượt qua để hội nhập thành công.
Nguồn: Báo Công Thương
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời'
- Kịch bản khiến cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đột ngột ngừng lại vào tháng 6
- Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
- Mỹ giảm mạnh thuế nhập khẩu kiện hàng có giá trị thấp từ Trung Quốc