Đánh giá về những “được” và “mất” của các DN Việt khi gia nhập WTO, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng được cũng nhiều nhưng mất cũng không ít. Nguyên nhân rất rõ ràng và đáng buồn: chưa chuẩn bị kỹ lưỡng cả về “thế” và “lực”.

Vì vậy, cơ hội đến thì không thể nắm bắt không hết mà nguy cơ thì khó tránh. Theo các chuyên gia, kinh tế VN chỉ còn một cơ hội cuối cùng để có thể bứt phá, đó là gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Nếu lần này vẫn tiếp tục thiếu sự chuẩn bị đầy đủ các DN Việt sẽ gặp nhiều thách thức.

Được và mất

Gia nhập WTO, những cái được lớn nhất là thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu tăng, chính sách kinh tế thông thoáng và minh bạch hơn, tạo động lực cạnh tranh cho DN... Bên cạnh đó, chúng ta cũng mất mát rất nhiều, thậm chí là “thất thế trên sân nhà”. Việc mở cửa hoàn toàn cho các DN nước ngoài đã tạo điều kiện kinh doanh bình đẳng như các DN trong nước. DN nước ngoài có nguồn lực mạnh, kinh nghiệm quốc tế và sự quyết liệt đã giành được thế chủ động trên chính sân nhà. Kẻ phải “bán mình”, kẻ âm thầm rút khỏi thị trường, kẻ phải dựa mình vào chính đối thủ để tồn tại. Số DN cạnh tranh thành công, giữ vững được vị thế của mình thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi AEC chỉ còn hơn 200 ngày nữa sẽ ra đời, một lần nữa nỗi lo về những “được” và “mất” lại dấy lên.

Cuộc hội nhập lần nay, theo các chuyên gia, sẽ sâu rộng hơn bao giờ hết. Trong đó, vấn đề đáng quan tâm nhất chính là tình trạng “chảy máu chất xám”. Chương trình CEO - Chìa khóa thành công đã phát sóng vào sáng Chủ nhật, ngày 17/5/2015 đã đưa ra chủ đề “Nhân sự thời hội nhập – Mất đội ngũ cấp cao” như một lời cảnh báo cho các doanh nghiệp về vấn đề này.

“Săn” nhân sự hay tự đào tạo ?

Đây là câu chuyện của một DN CNTT đã có thâm niên 10 năm trên thị trường. Hiện DN có trong tay một đội ngũ nhân sự vững vàng chuyên môn, đủ khả năng sẵn sàng hội nhập AEC. Tuy nhiên, mọi việc đã đột ngột thay đổi thì một loạt nhân sự cấp cao lần lượt xin nghỉ việc để chuyển sang các DN khác theo họ là tốt hơn. Doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, khách hàng lần lượt ra đi, kế hoạch đang triển khai bị bỏ dở vì không có người thực hiện. Trước tình hình đó, CEO và các cổ đông của DN đã bàn bạc và cùng tìm giải pháp. CEO cho rằng: “Ngay lập tức Cty phải bỏ thời gian, công sức và tiền bạc để đi săn lại những nhân sự giỏi tương tự ở các Cty khác về thay thế những nhân sự này..”.

Tuy nhiên, các cổ đông lại không đồng tình với phương án này, họ cho rằng “không nên lấy người bằng cách săn nhân sự giỏi từ các Cty khác, vì như vậy quá tốn kém mà rủi ro vẫn cao. Tốt nhất nên tìm và tuyển chọn từ các hệ thống đào tạo nhân sự cao cấp bằng cách liên kết với các hệ thống đào tạo chất lượng cao để lấy người. Đồng thời, kiên nhẫn đào tạo đội ngũ kế cận trong DN của mình”. Với quan điểm trái ngược nhau, CEO và các cổ đông đã tranh cãi rất quyết liệt để bảo vệ giải pháp của mình.

Ngay sau khi được phát sóng, ý kiến của CEO đã được nhiều người ủng hộ, điển hình như ý kiến của facebook Hong Linh Dang trên fanpage của chương trình: “Trước mắt, phương án của CEO là khá tốt, nên tìm nhân lực mới để bù vào vị trí đang trống, không để khủng hoảng hệ thống. Sau đó CEO nên có 1 cuộc đánh giá năng lực để đẩy những vị trí cấp trung có năng lực tiếp nhận quản lý sâu hơn”.

Góc nhìn từ độc giả

Tuy nhiên, ý kiến của các cổ đông cũng không phải là không có cơ sở, vì thế mà có không ít các ý kiến đồng tình với cổ đông theo facebook Nguyễn Quân Minh: “Tuyển mới chưa chắc đã tốt. Chính những con người đang làm việc tại Cty mới là nguồn nhân lực tốt trong thời điểm này. Cty nên dành công sức để đào tạo, đưa họ lên vị trí xứng đáng hơn”. Hai luồng ý kiến trái chiều này đã khiến cho chương trình tăng thêm phần hấp dẫn khi ý kiến mỗi bên đưa ra đều có lý cả.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp