Cuộc chơi miễn thuế từ Hàn: Mặt hàng “bất khả xâm phạm”
23/05/2015 27Trong hiệp định thương mại tự do, phía Hàn Quốc tuyệt nhiên không đưa gạo vào đàm phán bởi mặt hàng này luôn có những bảo hộ khá cao.
Ngoài những mặt hàng nông sản nhạy cảm kể trên, có hai mặt hàng được Hàn Quốc liệt vào nhóm “bất khả xâm phạm”, tuyệt nhiên không đưa vào đàm phán trong giai đoạn hội nhập này. Nguyên nhân là vì các nước phát triển công nghiệp như Hàn Quốc rất chú trọng đến việc bảo hộ nền nông nghiệp nước nhà vì việc bảo hộ ngành này không chỉ liên quan đến kinh tế, mà còn liên quan đến chính trị.
Đầu tiên phải kể đến đó là mặt hàng tỏi. Theo ông Tuyên, tỏi, ớt, gừng là những nguyên liệu rất quan trọng để làm nên kim chi – thực phẩm không thể thiếu trên bàn ăn của mọi người dân Hàn Quốc. Do đó, chính phủ Hàn luôn tỏ ra thận trọng với các nhà xuất khẩu tỏi, trong đó có Việt Nam. Hiện tại, mức thuế suất nhập khẩu cho mặt hàng tỏi lên tới 360%.
“Khi đàm phán với lãnh đạo Hàn Quốc, phải mất 3-4 ngày để đưa ra phương án cuối cùng về việc cắt giảm thuế với mặt hàng này. Trong khi những phiên đàm phán về ôtô, sắt thép, điện tử, dệt may… lại rất trơn tru, nhanh chóng.”, ông Tuyên cho biết.
Tuy nhiên, sau những phiên đàm phán căng thẳng thì phía Hàn quốc cũng đã đưa ra kết quả cuối cùng là chấp thuận giảm thuế nhập khẩu tỏi với Việt Nam trong lộ trình 10 năm. Như vậy, Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với sản phẩm này và đã phần nào tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam với các đối thủ trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Mặt hàng thứ hai đó chính là gạo. Trong hiệp định đàm phán này, phía Hàn Quốc tuyệt nhiên không đưa gạo vào đàm phán bởi mặt hàng này luôn có những bảo hộ khá cao, đặc biệt là các hàng rào kỹ thuật. Theo ông Tuyên, gạo Hàn Quốc là hạt tròn, trong khi gạo Việt Nam là hạt dài, cộng với nhiều lý do nhạy cảm, Hàn Quốc kiên quyết không đưa gạo vào đàm phán, bất chấp ta có thể "đánh đổi" nhiều thứ.
Sự bảo hộ chặt chẽ này đã tạo nên sự thiệt thòi cho Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy dù là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới nhưng riêng thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt Nam chưa thể tiếp cận được với kim ngạch bỏ trống.
Có thể thấy rằng, việc mở cửa hội nhập thông qua những Hiệp định thương mại tự do này vừa mang lại những lợi ích cho Việt Nam nhưng cũng đem tới những thách thức cho doanh nghiệp trong nước.
Ông Tuyên cũng đồng ý với quan điểm này khi cho biết việc tham gia đàm phán bất kỳ Hiệp định nào cũng dựa trên cơ sở đánh giá lợi ích và thách thức. Cuộc đàm phán lần này, nhiều người cho rằng Việt Nam không được lợi gì hoặc chưa tận dụng được nhiều, nhưng trên thực tế thì Việt Nam có thể tận dụng được các lợi ích về kinh tế, chính trị. Có thể mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ các thị trường khác, đặc biệt là Trung Quốc.
Nguồn: Báo Đất Việt
- Giải mã chiến lược của Mỹ trong đàm phán thương mại với Trung Quốc
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời'
- Kịch bản khiến cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đột ngột ngừng lại vào tháng 6
- Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc