Việc chưa tận dụng hiệu quả các công cụ bảo vệ sản xuất nội địa xuất phát từ cả phía doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.

TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) trao đổi với Đất Việt về không gian chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế sau các FTA.

PV: - Trong một hội thảo mới đây, bà đã đưa ra thông tin cho rằng mặc dù không còn nhiều công cụ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa do các cam kết với WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng Việt Nam dường như cũng chưa tận dụng hiệu quả các công cụ này. Liệu bà có thể phân tích rõ hơn? Theo bà, nguyên nhân của việc sử dụng chưa hiệu quả các công cụ này là do đâu?

TS Nguyễn Thị Thu Trang: - Không gian chính sách hỗ trợ của Việt Nam đối với các ngành kinh tế sau các cam kết trong WTO và các FTA đã bị giới hạn đi rất nhiều. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không còn công cụ nào. Ví dụ, các hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ hay các biện pháp trợ cấp, đặc biệt trợ cấp trong nông nghiệp... là những công cụ, những “không gian” còn tương đối rộng rãi mà Việt Nam có thể sử dụng. Tuy thế, trên thực tế, các ngành hầu như chưa có lần nào Việt Nam sử dụng được hiệu quả các này trong việc hạn chế hàng hoá nước ngoài nhập khẩu không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng hay kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm hay cạnh tranh không lành mạnh vào Việt Nam.

Chúng ta cũng đã từng sử dụng “không gian” này để hỗ trợ cho các ngành, ví dụ những lần hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc cho các lĩnh vực nông nghiệp khó khăn…Tuy nhiên, nhìn sâu hơn thì thấy đây là những biện pháp hỗ trợ có tính cấp cứu, để giải quyết nhu cầu cấp thiết trong một hoàn cảnh chứ hoàn toàn không phải là biện pháp hỗ trợ theo một chiến lược lâu dài để hỗ trợ cho một ngành nào đó phát triển.

Tôi đã có dịp trao đổi với một số ngành, kể cả những ngành được xem là mũi nhọn ưu tiên phát triển như ngành gỗ chẳng hạn, nhiều trong số đó đều nói rằng không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào từ Nhà nước để phát triển cả.

Về lý do tại sao chúng ta lại chưa tận dụng được không gian chính sách đang có để hỗ trợ thì chắc khó có thể nói cho hết được. Bình thường ở các nước, nhà nước cùng doanh nghiệp tìm ra các biện pháp để hỗ trợ ngành mình cho tốt nhất. Đối với Việt Nam, nếu chưa có những biện pháp như vậy thì có thể do lỗi từ cả hai phía. Nó có thể xuất phát từ chính các ngành khi không có đề xuất với Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho ngành của họ, hoặc có đề xuất nhưng tầm nhìn còn hạn chế, chỉ đề xuất những cái tức thời để giải quyết một khó khăn nhất thời. Phần lớn các ngành hiện nay chưa có chiến lược phát triển hoàn chỉnh của mình để từ đó có những đề xuất chính sách hỗ trợ cho ngành mang tính dài hơi.

Ở góc độ Nhà nước, trong bối cảnh năng lực doanh nghiệp còn hạn chế, lẽ ra Nhà nước với nhiều đơn vị nghiên cứu có thể học tập cách làm của các nước để chủ động áp dụng cho doanh nghiệp trong nước, nhưng dường như lại chưa làm tốt việc này. Ngay cả khi có những biện pháp đã được sử dụng (mặc dù là cũng chưa nhằm được mục tiêu tinh vi là hỗ trợ doanh nghiệp nội địa mà chỉ là thuần túy là phục vụ các lợi ích công cộng đương nhiên) như các hàng rào kỹ thuật (quy chuẩn kỹ thuật) hay vệ sinh dịch tễ, an toàn thực phẩm thì cũng mới chỉ là trên quy định, việc kiếm soát sự tuân thủ của hàng hóa nhập khẩu rất lỏng lẻo trên thực tế. Chúng ta đã từng nghe không ít lần về chuyện hoa quả nhập khẩu vào nội địa cả tuần giời, bán hết rồi, người tiêu dùng sử dụng xong xuôi rồi mới có kết quả về an toàn thực phẩm. Nếu các cơ quan thực thi nhà nước kiểm soát tốt tại biên giới trong những trường hơp này thì ít nhất cũng phải đảm bảo được hàng hoá nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam sẽ cạnh tranh công bằng với hàng hoá trong nước, chưa nói gì đến chuyện bảo hộ.

Bởi thế, tôi nghĩ việc chưa tận dụng được các công cụ bảo vệ ngành sản xuất nội địa có lỗi từ hai bên. Chưa thấy vai trò chủ động của các hiệp hội, doanh nghiệp, đồng thời cũng chưa có sự xông xáo, hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp từ phía các cơ quan nhà nước.

PV: - Một số chuyên gia đã thẳng thắn chỉ ra rằng, Việt Nam đã để mất thị trường nội địa cho nước ngoài. Theo bà, nghịch lý này bắt nguồn từ việc Việt Nam sử dụng kém hiệu quả các công cụ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa hay còn có những nguyên do nào khác?

TS Nguyễn Thị Thu Trang: - Tôi nghĩ việc người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt Nam hay hàng nước ngoài nhập khẩu là có nhiều yếu tố. Việc sử dụng các biện pháp hỗ trợ có thể giúp hàng hóa Việt Nam có sức cạnh tranh tốt hơn so với hiện tại (có thể là chất lượng tốt hơn, giá cả tốt hơn) nhưng có thể tốt ở mức dành được lựa chọn của người tiêu dùng không thì lại là câu chuyện khác. Nếu hàng hoá có sức cạnh tranh không tốt thì dù có bằng những công cụ "bảo hộ" để ngăn chặn hay hạn chế hàng hoá từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam thì nó cũng chỉ hỗ trợ được một phần, không có gì đảm bảo rằng trong trường hợp đó người Việt sẽ hàng Việt Nam.

PV: - Trên thực tế có không ít ngành sản xuất của Việt Nam được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước nhưng lại sử dụng chưa hiệu quả, chưa đúng đối tượng hoặc hỗ trợ ngược. Ví dụ như sản xuất lúa gạo, nhiều chuyên gia đã chỉ rõ  việc “mua rẻ bán rẻ” (ép mua lúa gạo của nông dân với giá rẻ, xuất khẩu gạo cạnh tranh bằng giá rẻ) thì chính sách tạm trữ lúa gạo đã không cứu được ngành nông nghiệp lúa nước. Bà có ý kiến gì về vấn đề này và tại sao?

TS Nguyễn Thị Thu Trang: - Chúng tôi hiện mới chỉ 'xới' lên vấn đề để mọi người cùng nhận thức về câu chuyện cần tận dụng các không gian chính sách còn lại để có các biện pháp hỗ trợ các ngành kinh tế một cách hiệu quả. Tự do hóa không có nghĩa là không sử dụng bất kỳ biện pháp hỗ trợ nào để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn cả. Còn sau này câu chuyện phải đi sâu hơn nữa, đó là hỗ trợ cho ngành nào, và hỗ trợ như thế nào cho hiệu quả. Nếu hỗ trợ tràn lan mà không có hiệu quả gì thì đó là lãng phí, thậm chí gây ra những hệ quả không mong muốn khác. Ví dụ, càng hỗ trợ càng khiến cho một bộ phận ỷ lại, không cạnh tranh.

Trong câu chuyện hỗ trợ sản xuất lúa gạo mà phóng viên đề cập tôi thấy có hai vấn đề: Thứ nhất, lựa chọn ngành ưu tiên phát triển nào? Việt Nam có nhất thiết phải sản xuất tất cả mọi thứ không hay những ngành nào Việt Nam có thế mạnh thì mới làm?

Thứ hai, hỗ trợ như thế nào, hỗ trợ ở phân khúc nào cho hiệu quả đối với ngành xác định là có lợi thế? Ví dụ, hỗ trợ cho người trồng, người nuôi cây, con hay hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu mối, hỗ trợ cho thương lái?

PV: - Khi các FTA có hiệu lực với Việt Nam thì các doanh nghiệp nội phải cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch với các doanh nghiệp ngoại, theo bà, điều này sẽ kích thích các doanh nghiệp nội tự cường ngay trên sân nhà hay ngược lại, vì sao?

TS Nguyễn Thị Thu Trang: - Điều này phụ thuộc vào việc doanh nghiệp chuẩn bị như thế nào và kết quả đàm phán.

Về sự chuẩn bị của doanh nghiệp, theo tôi, hiện nay doanh nghiệp chưa có chuẩn bị gì nhiều cho lắm. Khi chúng tôi hỏi doanh nghiệp có biết gì về những đàm phán FTA thì chưa nhiều doanh nghiệp biết. Đây là một mảng khá yếu, nguyên nhân một phần do doanh nghiệp chưa có chủ động tìm hiểu, thứ hai cũng bởi thông tin về các đàm phán, xu hướng không có nhiều, đặc biệt là thông tin cụ thể mà doanh nghiệp cần để chuẩn bị.

Lỗi của sự chưa chuẩn bị này cũng "tại anh, tại ả” chứ không phải do riêng doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam hầu hết là doanh nghiệp "li ti", bảo họ phải lo đến các vấn đề vĩ mô xa xôi thì rất khó, cần phải có thời gian.

Chúng tôi nhiều lần lấy ý kiến cho các dự thảo văn bản pháp luật nội địa về chính hoạt động của doanh nghiệp, tức là những văn bản sẽ được ban hành, sẽ ảnh hưởng ngay đến doanh nghiệp mà họ còn không quan tâm cho ý kiến nữa là những đàm phán xa xôi phức tạp thế này. Trong thời buổi khó khăn này, doanh nghiệp có quá nhiều mối quan tâm, mà họ nhỏ quá để có một bộ phận chuyên lo về chính sách hay những thứ trong tương lai.

Cho nên việc cung cấp thông tin từ phía nhà nước càng phải tốt hơn nữa. Nói với doanh nghiệp lớn một thì phải thì phải nói chín, nói mười với doanh nghiệp nhỏ.

Về kết quả của cam kết, hiện nay chưa kết thúc nên chưa biết thế nào. Nhưng nếu chúng ta nhìn các cam kết đã ký thì đối với nhiều ngành nhạy cảm hay năng lực cạnh tranh còn quá kém, các nhà đàm phán của chúng ta thường sẽ cố gắng để không phải mở cửa ngay. Thay vào đó, việc mở cửa sẽ có lộ trình, tạo sức ép dần dần để doanh nghiệp có hướng phát triển, cạnh tranh.

Hơn nữa, kinh nghiệm từ WTO cho thấy doanh nghiệp ta có cái dở là không tận dụng được cơ hội, nhưng có cái giỏi là dễ thích nghi, dễ điều chỉnh. Bởi thế tôi cho rằng có nhiều lý do để tin rằng các FTA sẽ tạo sức ép dần dần để các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, tôi kỳ vọng nhiều hơn rằng các doanh nghiệp không phải chỉ điều chỉnh để sống được mà còn phải tận dụng được để phát triển từ những cơ hội to lớn mà các FTA sắp tới đây sẽ mang lại.

Nguồn: Báo Đất Việt