Tự do và bảo hộ

06/06/2015    61

Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Những cơ hội có một không hai cho nền kinh tế mà các FTA này hứa hẹn mang lại là không thể bàn cãi. Mặc dù vậy, cùng với việc mở ra thị trường mới, các FTA cũng thu hẹp không gian mà Chính phủ có thể áp dụng các chính sách hỗ trợ cho các ngành kinh tế nội địa. Không gian càng hẹp, chính sách lại càng phải tinh.

Mặt trái của tấm huy chương

Thời gian này không khí hội nhập lại nóng rực các diễn đàn kinh tế Việt Nam. Hai đầu của tháng 5 được đánh dấu bằng 02 Hiệp định thương mại tự do được chính thức ký kết, một với Hàn Quốc, một với Liên minh Á Âu. Quãng giữa là những ngày đàm phán căng thẳng của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) để có thể hoàn tất trong một tương lai rất gần. Tháng 6 đây cũng được hứa hẹn là những ngày cuối cùng của đàm phán thương mại tự do với EU, ít nhất là theo tuyên bố của phía EU. Việt Nam vậy là đã dợm bước chân trước cánh cửa thực thi của loạt các Hiệp định thương mại tự do (HĐTMTD) lớn nhất từ trước tới nay.

Có lẽ không phải nói gì nhiều về những gì mà mở cửa, hội nhập và tự do hóa thương mại mang lại cho nền kinh tế, cho việc nâng cao hiệu quả kinh doanh cả trăm ngàn doanh nghiệp và cải thiện thu nhập của hàng chục triệu người lao động Việt Nam sau vừa tròn hai thập kỷ hội nhập qua. Cũng vì vậy, có lẽ không ai nghi ngờ về những lợi ích to lớn tiềm tàng mà những HĐTMTD “khủng” mà Việt Nam sẽ có trong thời gian tới, với những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam mà cũng là của cả thế giới.

Dù vậy, mọi tấm huân chương đều có mặt trái, và trong mặt trái của tấm huân chương thành tích HĐTMTD có một mảng ít được nói tới, dù không phải ít quan trọng. Đó là không gian chính sách của Nhà nước sẽ bị giới hạn tương ứng với từng cam kết trong các HĐTMTD. Và như thế, khả năng Việt Nam sử dụng các biện pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các ngành nội địa phát triển cũng sẽ giảm đi nhiều sau các cam kết HĐTMTD.

Chuyện đã lạc hậu chưa?

Bây giờ là lúc nào rồi mà lại nói chuyện bảo hộ? Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ vậy. Thực ra chuyện trông vậy mà không phải vậy.

Thương mại tự do - không rào cản, để hàng hóa, dịch vụ, lao động và đầu tư lưu chuyển thông suốt giữa các quốc gia, là giấc mơ tuyệt vời của nền kinh tế toàn cầu hóa.

Dù vậy, người tỉnh táo sẽ biết giấc mơ này chỉ là giấc mơ thôi. Có thể các HĐTMTD càng về sau này càng xóa bỏ được nhiều rào cản hơn trong thương mại giữa các nước, có thể môi trường kinh doanh ở khắp nơi trên thế giới sẽ thuận lợi, hài hòa hơn, thống nhất và ít cản trở hơn. Nhưng sẽ chẳng thể nào có một thế giới đại đồng mà ở đó không còn bất kỳ rào cản thương mại nào giữa các nước hay tất cả đều chung một hệ thống quy tắc kinh doanh.

Đằng sau đó là một triết lý muôn đời: lợi ích quốc gia bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu, trong mọi tính toán, trong mọi cam kết. Cũng vì vậy, trừ khi không còn biên giới quốc gia và quyền quốc gia bị xóa nhòa, sẽ không khi nào có chuyện một nước đồng ý mở toang hoàn toàn cánh cửa nền kinh tế của mình, cũng chẳng bao giờ hy vọng Chính phủ nào sẵn sàng đối xử hoàn toàn bình đẳng giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài hay triệt tiêu toàn bộ những biện pháp ưu ái, hỗ trợ hay tạo điều kiện của doanh nghiệp của mình.

Vì vậy, thương mại thì cứ tự do đi, nhưng chuyện hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa, nhất là những ngành nhạy cảm hoặc quan trọng chưa bao giờ là chuyện lỗi thời hay bẽ bàng cả.

Giàu như Nhật vẫn bảo hộ nông nghiệp tới răng, mạnh như Mỹ vẫn muốn bảo vệ ngành giầy dép lộ liễu bằng thuế quan, sang như các bạn OECD vẫn cứ dùng đủ mọi cách tinh vi để hạn chế hàng nhập khẩu từ nước ngoài… thì không cớ gì mà Việt Nam lại phải ngại ngùng khi nói tới các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nội địa của mình cả!

Còn hay không không gian cho chính sách hỗ trợ nội địa?

Thử rà lại những cam kết mà chúng ta đã có, WTO và 8 HĐTMTD đang có hiệu lực, có thể thấy không gian để chúng ta hỗ trợ, bảo vệ cho doanh nghiệp nội địa đã hẹp lại đáng kể.

Chúng ta hầu như đã không còn bao nhiêu không gian để bảo vệ sản xuất trong nước bằng thuế quan hay bằng các biện pháp phi thuế, trừ với một số nhóm sản phẩm nhạy cảm. Chúng ta cũng không còn nhiều lắm không gian để ưu đãi cho nhà đầu tư trong nước nhiều hơn nước ngoài. Chúng ta cũng không còn được áp dụng những gói trợ cấp tín dụng riêng cho những ngành, những lĩnh vực mà chúng ta mong muốn.

Mặc dù vậy, so với không gian đã bị giới hạn, không gian còn lại vẫn rộng rãi lắm. Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng hàng rào kỹ thuật (TBT), vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS) để bảo vệ sản phẩm nội địa chất lượng tốt, bảo vệ nông sản nội địa an toàn. Chúng ta cũng có thể dùng các công cụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ (TR) nếu hàng hóa nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh hay nhập khẩu ồ ạt gây thiệt hại cho sản xuất trong nước. Chúng ta thậm chí vẫn có thể sử dụng các biện pháp trợ cấp tài chính cho doanh nghiệp một ngành nhất định miễn đó không phải là trợ cấp xuất khẩu hay nhằm ưu tiên sử dụng hàng nội địa… Vả lại, còn rất nhiều những không gian khác mà Việt Nam không có cam kết gì, thương mại là vô cùng, và những gì đã cam kết mới chỉ loanh quanh ở hàng hóa, dịch vụ, sở hữu trí tuệ và đầu tư mà thôi.

Tất nhiên, với những HĐTMTD thế hệ mới vốn được dự báo có phạm vi cam kết rất rộng, nội dung cam kết rất sâu, sắp tới đây, không gian để Nhà nước tự do điều hành theo cách mà mình muốn sẽ nhỏ bé hơn nhiều so với hiện tại. Thay vì chỉ bị “bó tay” trong 04 lĩnh vực thương mại truyền thống, chúng ta cũng sẽ không thể ưu tiên doanh nghiệp nội địa trong các cuộc đấu thầu mua sắm bằng tiền ngân sách, hay không thể tự do áp dụng các tiêu chuẩn lao động, môi trường phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp nội địa…

Mặc dù vậy, có những không gian chính sách chắc chắn sẽ vẫn được duy trì sau các FTA, như các biện pháp TBT, SPS, TR, thậm chí cả các biện pháp ưu đãi tài chính không nhằm vào nhóm riêng biệt nào, hay các hỗ trợ tín dụng cho sản xuất nông nghiệp…

Hơn thế nữa, trên thực tế vẫn luôn có không gian cho những biện pháp hỗ trợ dù ta có ký bao nhiêu HĐTMTD đi chăng nữa. Ví dụ những biện pháp hỗ trợ chung cho tất cả các doanh nghiệp nhưng đặc biệt có ý nghĩa với các doanh nghiệp nội địa vốn còn yếu ớt như các hỗ trợ đào tạo lao động, nghiên cứu – phát triển, cơ sở hạ tầng trong hàng rào, ngoài hàng rào… Ví dụ những biện pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, để quản lý không trở thành rào cản cho khả năng sáng tạo, kinh doanh của doanh nghiệp…

Không gian chính sách, vì vậy, vẫn còn rất rộng lớn. Có chăng là chúng ta có thực sự biết cách sử dụng, để tung cánh trong không gian đó hay không mà thôi.

Nguồn: TBKTSG