Đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ 3 của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới mặt hàng sợi xuất khẩu từ Việt Nam.

Tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Tổng vụ Nhập khẩu (Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ) đã có Công hàm gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ thông báo về việc nhận được đơn khiếu nại từ ngành sản xuất nội địa và xét thấy đơn kiện này có đủ chứng cứ cần thiết để khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sợi dún polyester nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Theo đó, nguyên đơn cáo buộc rằng hàng hóa bị điều tra xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ với giá thấp hơn giá trị thông thường, do đó đã gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm thương mại quốc tế ITC và theo số liệu từ Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ (TurkStat), trị giá xuất khẩu mặt hàng bị điều tra từ Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ trong 3 năm trở lại đây tương đối lớn, trung bình khoảng 120 triệu USD mỗi năm, chiếm khoảng 20% tổng lượng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra vào Thổ Nhĩ Kỳ, cao thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số các quốc gia rất tích cực áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới, đặc biệt là biện pháp chống bán phá giá và tự vệ.

Đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ 5 của Thổ Nhĩ Kỳ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và là vụ kiện chống bán phá giá thứ 3 của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới mặt hàng sợi xuất khẩu từ Việt Nam.

Hai vụ kiện chống bán phá giá trước đó liên quan tới mặt hàng sợi nhân tạo tổng hợp (2012) có mã HS: 3921.90, 5407.20 và sợi vải bạt polyethylene/polypropylene (2008) có mã HS: 5508 đến 5511. Hiện, hai vụ việc này vẫn đang trong giai đoạn áp thuế.

Theo quy trình điều tra chống bán phá giá của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi thông báo cho các nước có liên quan về việc nhận đơn yêu cầu điều tra vụ việc, trong trường hợp chính thức khởi xướng, cơ quan điều tra Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đăng thông báo trên Công báo liên bang, đồng thời gửi bản tóm tắt đơn kiện và bản câu hỏi điều tra tới các nước và nhà xuất khẩu có liên quan trong vụ việc.

Nguồn: Báo Hải quan