Khủng hoảng kinh tế thế giới (2007 - 2009) được ví như vụ “Melamine” về tài chính. Sự nguy hiểm của nó cũng là sự “thiếu dinh dưỡng" cho sức khỏe của một nền kinh tế, khiến người ta khó có thể lường hết được rủi ro cho những quyết định của mình...'
Vì thế, những phân tích và trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu của những người đi trước trong khóa tập huấn "Nâng cao kiến thức về Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cho cán bộ Ngoại giao" do Bộ Ngoại giao kết hợp với Dự án USAID/STAR tổ chức sẽ là một cơ hội quý báu cho những người trực tiếp làm ngoại giao kinh tế.

Nhìn lại để bước tiếp

Nếu lấy việc gia nhập AFTA là mốc đầu tiên đánh dấu sự hội nhập khu vực về kinh tế của Việt Nam thì mới khoảng 13 năm. Nếu lấy việc gia nhập WTO là mốc hội nhập hoàn toàn và đầy đủ vào nền kinh tế thế giới thì mới chỉ trên 3 năm. Là bước đi ban đầu trong một lộ trình dài, nên còn quá sớm để nói đến cái được và chưa được của sự hội nhập, nhưng lại rất quan trọng khi nhìn thẳng vào những kết quả đó, để có những điều chỉnh hợp lý trong tương lai. 
                       
Không thể phủ nhận những kết quả vật chất đạt được, như kim ngạch xuất khẩu tăng với tốc độ trên dưới 20%/năm, đầu tư trực tiếp, gián tiếp, viện trợ phát triển, kiều hối đều có sự đột biến tích cực. Nhưng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và tuyên truyền sâu rộng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội được cho là kết quả to lớn nhất về mặt nhận thức. Đặc biệt hơn, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao rõ rệt từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Ngược lại, chính mặt trái của những kết quả trên lại gây nên hạn chế. Việc nhận thức hội nhập được phổ biến rộng nhưng chưa thật sâu đã gây nên sự lúng túng trong hành động của cả các cấp quản lý đến doanh nghiệp. Trong xã hội, do sự thiếu hiểu biết nên nhiều khi quá hồ hởi hoặc kỳ vọng quá nhiều vào hội nhập, nên khi gặp khó khăn lại "đổ lỗi" cho hội nhập. Hệ thống pháp luật, tuy ngày càng được hoàn thiện song vẫn còn sự chống chéo, mâu thuẫn, tự gây nên các khó khăn. Vốn, công nghệ... từ bên ngoài chảy vào lớn, trong khi sự sẵn sàng đón nhận của Việt Nam chưa thực sự tương xứng, đã trở thành những quan ngại lớn, gây bất ổn về mặt vĩ mô. Kinh nghiệm điều hành nền kinh tế thị trường của Việt Nam vốn hạn chế, nay lại phải đối mặt với yêu cầu điều hành nền kinh tế hội nhập toàn cầu nên càng khó khăn hơn.

Những điểm yếu cả chủ quan và khách quan trên, càng khẳng định một quan điểm chỉ đạo từng được nhấn mạnh là: nhân tố bên ngoài là quan trọng nhưng nội lực mới là quyết định. Nội lực ở đây bao gồm cả "phần cứng" là cơ sở hạ tầng, sản xuất vật chất, từ cơ cấu đến năng lực và "phần mềm" là những kiến thức dự báo, điều hành và khả năng ứng phó.     

Triển vọng lớn nhưng... khó

Tuy vòng đàm phán Doha đang trục trặc và tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, nhưng nhìn toàn cục và lâu dài, các nước đều cần thị trường, vốn, công nghệ, tính tùy thuộc lẫn nhau quá sâu nên xu thế toàn cầu hóa vẫn sẽ tiếp tục.

Trong khi cuộc đàm phán trong khuôn khổ WTO chững lại, thế giới đang chứng kiến sự nở rộ của những sự thu xếp về các khu vực mậu dịch tự do đơn lẻ, từng khu vực và giữa các quốc gia. Hiện tượng này vừa xuất phát từ nhu cầu kinh tế, vừa bắt nguồn từ những tính toán chính trị trong sự tập hợp lực lượng mới. Bằng chứng là sau khi Diễn đàn Đông Á và Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc ra đời, Mỹ cùng Australia đã tung ra ý tưởng về Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương và Đối tác Thái Bình Dương (TPP). Ở Đông Á, một mặt tiến trình hình thành Cộng đồng ASEAN đang diễn biến, mở ra triển vọng xuất hiện một không gian kinh tế nhất thể hóa, mặt khác các nước ASEAN đều tìm kiếm những dàn xếp riêng lẻ có lợi cho mình.

Trong mươi năm tới, về cơ bản, Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp. Vì mục tiêu này Việt Nam tiếp tục cần mở rộng thị trường, tranh thủ thêm vốn, công nghệ, từ đó sẽ hội nhập ngày càng sâu hơn với nền kinh tế thế giới, từ Hợp tác tiểu vùng 3 nước Đông Dương, Khu vực Đông Nam Á... đến Khu vực châu Á - Thái Bình Dương... Triển vọng ấy vừa giúp Việt Nam có thêm thị trường, vốn đầu tư, công nghệ, thực hiện chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa, bảo đảm thế cơ động trong sự tùy thuộc lẫn nhau, đồng thời sẽ phải đối mặt với những cạnh tranh gay gắt hơn trong các không gian kinh tế được tự do hóa cao, sự trùng chéo, thậm chí mâu thuẫn giữa các thể chế khác nhau, cũng như sự lôi kéo, tranh chấp giữa các đối tác khác nhau.

Việt Nam cũng đang chuẩn bị cho Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020. Tầm quan trọng của Hội nhập ảnh hưởng đến mô hình tăng trưởng, đặc biệt là các mối quan hệ giữa thị trường trong và ngoài nước, xuất và nhập khẩu... vì thế cần hình thành Chiến lược hội nhập trong Chiến lược phát triển chung cho giai đoạn này.     

Nguồn: tgvn.com.vn