Nhật Bản đang trong cuộc chiến giữa những người nông dân trồng lúa với những nhà xuất khẩu lương thực nước ngoài. Đứng ở trung tâm cuộc chiến này là Thủ tướng Shinzo Abe với những quyết định khó khăn cho tương lai của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã từng tuyên bố sẽ dỡ bỏ các rào cản kinh tế nhằm thúc đẩy tự do thương mại tại thị trường này, nhưng ông Abe vẫn chưa làm được gì nhiều cho đến hiện tại. Tuy nhiên, gần đây vị thủ tướng Nhật Bản này đã có cơ hội để thực hiện những lời cam kết đó.

Tại Nhật Bản, hiện có khoảng 3,3 triệu người trồng lúa, tương đương 2,5% dân số, đang là trở ngại chính cho việc hoàn thiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bằng việc đồng ý cắt giảm hàng rào thuế quan đối với lúa gạo, ông Abe có thể hoàn thành thỏa thuận TPP và cho thấy sự tự do thương mại trong nền kinh tế Nhật Bản.

Tại sao vấn đề về lúa gạo lại quan trọng như vậy? Đây là một sự phức tạp giữa lịch sử, văn hóa và tình trạng bao cấp. Là một quốc đảo nghèo tài nguyên, Nhật Bản vốn luôn gặp phải khó khăn trong vấn đề tự cung tự cấp, đặc biệt là trong ngành thực phẩm. 

Lúa gạo không chỉ là nguồn ngũ cốc chính của đất nước mà còn là một biểu tượng văn hóa của dân tộc. Nhiều thiên niên kỷ nay, người dân quốc đảo này đã được dạy rằng loại gạo của họ là niềm tự hào của dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà từ gạo trong tiếng Nhật Bản - gohan- cũng có nghĩa là bữa ăn.

Trong những thập kỷ gần đây, lúa gạo cũng trở thành trung tâm chính trị của Nhật Bản. Nông dân là những cử tri quan trọng của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) ủng hộ ông Abe, vốn thường xuyên nắm quyền kiểm soát chính phủ kể từ năm 1955. 

Sau nhiều thập kỷ gây ảnh hưởng, những phiếu bầu của các nông dân Nhật Bản có ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với những phiếu bầu tại Tokyo và Osaka. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những cử tri “nông dân” đã sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để chống lại những đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Mặc dù Thủ tướng Abe sẽ gặp nhiều khó khăn để thuyết phục các cử tri nông dân trong vấn đề thuế quan, nhưng những nỗ lực đó là hoàn toàn đáng giá. Ngoài nguyên nhân hoàn thành thỏa thuận TPP, Thủ tướng Abe cũng cần cải cách cơ cấu nền kinh tế Nhật Bản thoát ra khỏi lối mòn.

 Chỉ số thị trường chứng khoán Nikkei đã tăng gần gấp đôi dưới thời lãnh đạo của ông Abe, nhưng sự tăng trưởng này không thể tồn tại lâu nếu những nền tảng chủ chốt của kinh tế Nhật Bản không thực sự cải thiện.

Chính phủ Nhật Bản đã có những nỗ lực để suy giảm ảnh hưởng từ cử tri nông dân, nhưng những động thái của họ là khá dè dặt. Đảng cầm quyền LDP đã sửa đổi những điều luật về hợp tác xã nông nghiệp được thiết lập từ thập niên 40 nhằm mở cửa ngành nông nghiệp cho nhiều doanh nghiệp tham gia hơn. Chính quyền Abe cũng muốn tăng gấp đối kim ngạch xuất khẩu lương thực, đặc biệt là thịt bò, từ nay đến năm 2020.

Tuy nhiên, những cố gắng trên là chưa đủ so với mức thuế 778% nhập khẩu gạo vào thị trường này, hay 328% đối với nhập khẩu đường. Nhật Bản nên loại bỏ những hàng rào thuế quan quá cao này hoặc ít nhất nên hạ thấp xuống 2 con số.

Nếu Thủ tướng Abe làm như vậy, ông có thể phải đối mặt với một “cuộc chiến” dai dẳng. Nông dân Nhật Bản đã rất nhiều lần phản đối tiến trình toàn cầu hóa và hiện không rõ liệu công chúng quốc gia này sẽ ủng hộ ai, ngài thủ tướng hay người trồng lúa.

Rất nhiều người dân Nhật Bản lo ngại rằng nền văn hóa của họ đang có nguy cơ bị thay đổi do ảnh hưởng từ nước ngoài, trong đó bao gồm văn hóa về “lúa gạo.” Đại đa số người Nhật Bản cho biết họ sẽ không bao giờ mua gạo từ Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan hay Mỹ dù chúng có rẻ bao nhiêu đi chăng nữa. Hàng thực phẩm của Trung Quốc với những vụ bê bối chất lượng càng không được người dân Nhật Bản chào đón.

Ngoài ra, việc hoàn thành thỏa thuận TPP với Mỹ cũng sẽ gia tăng vị thế chính trị cho đảng cầm quyền của ông Abe. Việc xây dựng Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) của Trung Quốc đang đe dọa đến vị thế của chính quyền Tokyo, vốn là nước điều hành Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Một thỏa thuận thương mại sẽ củng cố liên minh Mỹ-Nhật và liên kết các quốc gia thành viên khác trong TPP, hiện chiếm 40% tổng sản phẩm quốc nội thế giới.

Việc hoàn thành thỏa thuận TPP sẽ là bươc khởi đầu cho công cuộc cải cách nền kinh tế Nhật Bản. Sau khi cam kết mở cửa nền kinh tế, những doanh nghiệp kém hiệu quả nhất của quốc đảo này sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tái cơ cấu. Và ngành nông nghiệp lúa gạo chắc chắn sẽ nằm trong số đó.

Nguồn: NĐH