Theo ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường EU, năm 2009 mặc dù chịu ảnh hưởng suy giảm kinh tế toàn cầu song kim ngạch mua bán hai chiều giữa Việt Nam và EU vẫn đạt 15,2 tỷ USD (vượt ngưỡng 15 tỷ USD theo Đề án tổng thể về phát triển quan hệ Việt Nam - EU vào năm 2010).

 

Tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần chủ động hơn khi sản xuất, thiết kế và tiếp thị hàng hóa vào thị trường châu Âu.  


Khó khăn


Ông Hải cho biết, EU là thị trường đã được quốc tế hóa, hàng vào EU được lưu thông trên khắp 27 nước thành viên, mỗi nước thành viên lại có văn hóa, phong cách tiêu dùng, văn hóa kinh doanh khác nhau, nên sản phẩm vào EU phải thích ứng với 27 thị trường. Đây là một thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp.
Với mục đích là bảo vệ tốt nhất sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… EU còn là một thị trường có nhiều quy định kỹ thuật khá khắt khe, vì thế không phải doanh nghiệp nào trong nước cũng đáp ứng được. Từ năm 2009, EU đã ban hành và tăng cường các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, nên một số mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam như thủy sản, giày dép, đồ gỗ, rau quả, thực phẩm… gặp nhiều khó khăn. Việc tăng bảo vệ sản xuất nội khối cũng tạo thêm không ít khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam khi vừa phải tính toán tăng xâm nhập vào EU nhưng ở mức độ không nằm trong đối tượng của các biện pháp bảo hộ.


EU lại là mục tiêu xuất khẩu của nhiều nước trên thế giới vì thế sức cạnh tranh ở thị trường này rất lớn. Năm 2009, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều nước đã chọn giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là sang EU, nên sức cạnh tranh ở thị trường này tăng lên. Và dù có nhiều chính sách tích cực trong quan hệ thương mại với Việt Nam, song những năm gần đây, EU vẫn dành nhiều ưu đãi hơn cho các nước ACP, các nước chậm phát triển (áp dụng ưu đãi GSP với mức thuế suất 0%) và trong ASEAN, EU cũng ưu đãi cho 5 nước phát triển là Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines.


Trong buổi tọa đàm về “Xuất khẩu và cơ hội thị trường với EU” tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Antonio Berenguer, Tham tán Thương mại Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, hiện đang là giai đoạn quan trọng trong tăng các hoạt động hợp tác giữa EU và Việt Nam, vì hai thị trường đang cùng phục hồi sau khủng hoảng kinh tế thế giới, Chính phủ và Bộ Công Thương Việt Nam đang đẩy mạnh làm việc với EU trong giải quyết các rào cản mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi xuất khẩu vào EU, tăng cường các hoạt động thúc đẩy xúc tiến và phổ biến các quy định, cơ hội từ thị trường EU…, đồng thời tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại song phương (FTA) giữa ASEAN với EU, vì thế trong tương lai hai bên sẽ hiểu và thông cảm nhau hơn. Năm 2010, quan hệ thương mại giữa EU -Việt Nam sẽ tốt hơn 2009.


Để tăng xuất hàng sang


Song ông Antonio Berenguer cũng lưu ý rằng, các quy định trong nhập khẩu hàng của EU nhiều và khá phức tạp, các yêu cầu cũng khác so với các nước, đôi khi còn khó hiểu như quy định về đánh bắt hải sản IUU, quy định về chăm sóc động vật, quy định sắp tới về nguồn gốc gỗ từ các sản phẩm gỗ… Vì thế doanh nghiệp Việt Nam nên tăng cường theo dõi và tìm hiểu kỹ nội dung các đạo luật mà EU vừa và sắp ban hành.


Để tăng xuất khẩu sang EU trong thời gian tới, theo các chuyên gia trong Phái đoàn Liên minh châu Âu, bên cạnh cố gắng của Chính phủ, chìa khóa thành công vẫn là hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không nên ngồi chờ các đơn đặt hàng từ EU như trước, mà nên năng động trong tìm hiểu, tiếp cận thị trường, thị hiếu EU, năng cao chất lượng sản phẩm trước yêu cầu ngày càng khắt khe của EU, cố gắng xâm nhập vào chuỗi phân phối (hình thức kinh doanh đang phát triển của EU). Ông Matthias Duchn, Giám đốc điều hành EuroCham cho biết, khi đưa sản phẩm sang EU, doanh nghiệp nên xem xét đến nhu cầu đang nghiêng nhiều về xu thế chọn sản phẩm có lợi cho sức khỏe, bảo vệ môi trường. Một cách tổng quát, thị hiếu của EU là thị hiếu đa dạng của một cộng đồng dân cư với người nhập cư ngày càng nhiều, dân số đang già, song có thu nhập cao, có lối sống bận rộn và quy mô hộ gia đình nhỏ.


Ngoài ra, các doanh nghiệp, hiệp hội Việt Nam nên tăng hơn nữa các hoạt động vận động hành lang đến các chính khách, các người có thẩm quyền quyết định, ban hành các chính sách từ Việt Nam lẫn EU, nhất là nên tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong tiến trình đàm phán FTA giữa ASEAN với EU để các điều khoản trong FTA sau khi triển khai hợp lý và có lợi cho cả doanh nghiệp và EU.

Nguồn: Cổng Thương vụ Việt Nam