Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định ban hành Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam.

Quyết định nêu rõ hệ thống ngành sản phẩm là bảng phân loại các sản phẩm dựa trên các ngành kinh tế, nhằm sắp xếp các sản phẩm được tạo ra theo từng ngành kinh tế. Thông qua hệ thống này có thể thấy được cơ cấu sản phẩm theo ngành kinh tế cũng như của cả nền kinh tế.

Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam được chia thành bảy cấp.

Cấp 1 gồm 21 ngành sản phẩm được mã hóa theo bảng chữ cái từ A đến U (gồm sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản phẩm khai khoáng; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo...).

Cấp 2 gồm 88 ngành sản phẩm; mỗi ngành được mã hóa bằng hai số theo từng ngành cấp 1 tương ứng.

Cấp 3 gồm 234 ngành sản phẩm; mỗi ngành được mã hóa bằng ba số theo từng ngành cấp 2 tương ứng.

Cấp 4 gồm 411 ngành sản phẩm; mỗi ngành được mã hóa bằng bốn số theo từng ngành cấp 3 tương ứng.

Cấp 5 gồm 587 ngành sản phẩm; mỗi ngành được mã hóa bằng năm số theo từng ngành cấp 4 tương ứng.

Cấp 6 gồm 1.406 ngành sản phẩm; mỗi ngành được mã hóa bằng sáu số theo từng ngành cấp 5 tương ứng.

Cấp 7 gồm 2898 ngành sản phẩm; mỗi ngành được mã hóa bằng bảy số theo từng ngành cấp 6 tương ứng.

Các ngành sản phẩm được cấu trúc theo mã mẹ-con bảo đảm thuận tiện trong sử dụng và tra cứu cũng như ứng dụng công nghệ thông tin.

Mã ngành sản phẩm được đánh theo thứ tự liên tục trong mỗi cấp ngành sản phẩm, riêng mã sản phẩm khác, hoặc sản phẩm khác chưa phân vào đâu hoặc dịch vụ sản xuất (gia công) đánh số 9 bảo đảm thuận tiện chèn mã khi sản phẩm mới xuất hiện.

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử