DN có thể được tự chứng nhận xuất xứ từ quí 3-2015
16/04/2015 13(TBKTSG Online) – Bộ Công Thương dự kiến sẽ ban hành thông tư hướng dẫn vào tháng 6-2015 để doanh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ (C/O) cho hàng hoá xuất khẩu sang Lào, Indonesia và Philippines, thay vì phải xin cấp C/O (form D) cho từng lô hàng như hiện nay.
Tại hội thảo về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hợp tác với Tổng cục Hải quan tổ chức hôm 16-4 tại TPHCM, bà Lê Thị Hồng Ngọc, Phó trưởng phòng Cục Giám sát quản lý, Tổng Cục Hải quan, cho biết hiện các nước ASEAN đang thí điểm cơ chế tự chứng nhận với hai dự án.
Dự án thứ nhất - được mở rộng cho cả các công ty thương mại - được Brunei, Malaysia, Singapore và Thái Lan tham gia từ năm 2010, 2011. Dự án thứ hai - chỉ dành cho các công ty sản xuất - được Lào, Indonesia, Philippines tham gia từ năm 2012, 2013. Đến tháng 9-2014 Việt Nam mới chính thức tham gia cơ chế này theo dự án 2, và đang trong giai đoạn cuối hoàn thiện các thủ tục (ban hành thông tư hướng dẫn) để chính thức thực hiện.
Theo ông Vương Đức Anh thuộc Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện thông tư hướng dẫn đã được soạn thảo và dự kiến được ban hành vào tháng 6-2015, sau 45 ngày thông tư này sẽ bắt đầu có hiệu lực. Dự án thí điểm này dự kiến sẽ kết thúc khi các nước Đông Nam Á (ASEAN) thống nhất cơ chế chung để doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ (có thể thực hiện trong năm 2016 và có khả năng sẽ thực hiện theo dự án 1).
Theo bà Lê Thị Hồng Ngọc, khi dự án thí điểm chính thức được thực hiện tại Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất có xuất khẩu hàng hoá muốn tham gia sẽ phải đăng ký với Bộ Công Thương, và phải đáp ứng các tiêu chí như quy mô, sự ổn định xuất khẩu hàng hoá, chứng minh khả năng hiểu biết về xuất xứ hàng hoá,….
Sau khi được cấp phép, doanh nghiệp sẽ được cấp một mã số, và mã này được đưa lên website để cơ quan hải quan có thể kiểm tra. Doanh nghiệp được cấp phép phải chứng nhận nội dung xuất xứ trên hoá đơn chứng từ mình phát hành ra; nội dung này phải thể hiện hàng hoá do nhà sản xuất tạo ra và đáp ứng quy tắc xuất xứ trong FTA để được hưởng ưu đãi.
Doanh nghiệp cũng phải tự chứng nhận bằng chữ ký viết tay. Việc ghi bằng tay và chữ ký tay giúp cơ quan quản lý dễ dàng thẩm định đây là chữ ký giả hay thật, nếu có nghi ngờ, bà Ngọc cho biết.
Sau khi doanh nghiệp ký hợp đồng và phát hành nội dung xuất xứ trên hoá đơn thương mại, họ sẽ phải gửi cho nhà nhập khẩu để xuất trình cho cơ quan hải quan nước nhập khẩu. Doanh nghiệp sản xuất kiêm xuất khẩu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xuất xứ họ đưa ra, cũng như các hoá đơn chứng từ.
Ngoài ra, nhà sản xuất phải lưu trữ các chứng từ, mẫu hàng để sau này khi cơ quan thanh tra kiểm tra yêu cầu nộp, xuất trình, họ có thể chứng minh hàng hoá do mình sản xuất ra đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế qua trong các hiệp định. Thời gian quy định để lưu trữ hồ sơ có thể lên đến 3 hay 5 năm tuỳ quyết định của Bộ Công Thương.
Theo bà Ngọc, việc tự chứng nhận xuất xứ giúp doanh nghiệp linh hoạt, cũng như tiết kiệm thời gian và chi phí hành chính. Tuy nhiên, có những rủi ro là doanh nghiệp có thể bị phạt nếu tuyên bố sai về xuất xứ hàng hoá do mắc lỗi, hiểu biết không đầy đủ quy tắc xuất xứ, hay cố ý gian lận.
Trong hai dự án thí điểm của ASEAN, nhìn chung có khá ít doanh nghiệp tham gia, nhiều nhất là Malaysia với 133 doanh nghiệp, tiếp đến là Thái Lan với 114 doanh nghiệp, Singapore – 54, Brunei – 10, Indonesia – 10, Philippines – 3 và Lào – 2.
Theo ông Vương Đức Anh, lý do ít doanh nghiệp tham gia là do những doanh nghiệp trong dự án 1 khi xuất khẩu sang nước khác trong ASEAN vẫn phải xin cấp C/O, hay Việt Nam cũng chỉ áp dụng cơ chế này khi xuất khẩu sang ba nước Lào, Philippines, Indonesia. Ngoài ra, đây là dự án thí điểm do đó doanh nghiệp vẫn chần chừ vì lo ngại rủi ro có thể bị cơ quan hải quan từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan.
Hiện trong các FTA Việt Nam đang tham gia đàm phán, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam – EU và FTA Việt Nam – EFTA đều có cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, nhưng không có trong FTA Việt Nam – Liên minh hải quan (Nga-Belarus-Kazakhstan). Trong FTA Việt Nam – Hàn Quốc, cơ chế này sẽ được thảo luận sau khi hiệp định có hiệu lực. Dù cơ chế doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ được thực hiện rộng rãi trong ASEAN, hay trong các FTA, thì vẫn tồn tại song song cơ chế xin cấp C/O như hiện nay.
Nguồn: TBKTSG
- Giải mã chiến lược của Mỹ trong đàm phán thương mại với Trung Quốc
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời'
- Kịch bản khiến cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đột ngột ngừng lại vào tháng 6
- Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc