ASEAN đang ở điểm võng của việc sử dụng vốn và khi rào cản thương mại đang bị loại bỏ, khối sẽ chứng kiến một bước nhảy vọt trong nhu cầu về vốn. Đây sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực, bộ phận nghiên cứu của Maybank Kim Eng đánh giá.

ASEAN và con số 24%

Hội nghị đầu tư ASEAN 2015 (Invest ASEAN) vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2015 tại Singapore, với sự góp mặt của các tập đoàn hàng đầu trong khu vực và các nhà quản lý quỹ từ khắp nơi trên thế giới đã đánh giá đầu tư vào ASEAN sẽ tăng mạnh sau khi thực hiện hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Phát biểu tại hội nghị, ông Datuk Abdul Farid Alias, Chủ tịch - Giám đốc điều hành tập đoàn Maybank đã dành thời gian khá lớn để đánh giá về những hạn chế cũng như cơ hội của ASEAN trước và sau khi gia nhập AEC.

Ông Farid Alias dẫn chứng số liệu cho thấy chỉ có 24% tổng kim ngạch thương mại xuất phát từ nội khối ASEAN, trong khi con số này là 60% ở EU còn đối với các nước Bắc Mỹ tham gia Hiệp định Thương mại tự do (NAFTA), số đó là 40%.

"Có thể có nhiều lý do tại sao số này lại thấp, nhưng một trong số đó có thể là cơ sở hạ tầng trong khu vực: dịch vụ logistics hay vốn đều không tạo điều kiện phát triển thương mại nội khối ASEAN", ông nói.

Chuyên gia này cũng cho biết, chi phí hàng hóa xuất khẩu tới các nước trong ASEAN hiện đang cao hơn 24% so với vào Trung Quốc.

Do đó, sự hình thành một thị trường chung thống nhất AEC, các rào cản đối với hàng hóa, dịch vụ bị dỡ bỏ, hai con số "24" sẽ nhanh chóng đi vào dĩ vãng.

Ngoài ra, theo ông Farid Alias, ASEAN có một lực lượng dân số rất trẻ sẵn sàng chi tiêu, có tinh thần doanh nhân, tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp ở mọi nơi nhưng lại là thế hệ "không đồng vốn nào".

Ông Farid Alias cho rằng, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới và đang trải qua thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ.

"Để hội nhập vào thị trường khu vực đầy tiềm năng này đòi hỏi phải có công nghệ đột phá, phải có chiến lược quảng cáo và quảng bá thương hiệu hiệu quả", ông Farid Alias chia sẻ.

Tiềm năng tăng trưởng còn tiếp tục

Xét về tăng trưởng nguồn vốn FDI, ông Feisal Zahir, Giám đốc bộ phận Ngân hàng Toàn cầu của tập đoàn Maybank đã lưu ý rằng nguồn vốn FDI trong nội bộ ASEAN vẫn tăng đều đặn trong 5 năm qua. Năm 2009, con số này khoảng 10% tổng vốn FDI đã tăng lên ước tính khoảng 22% vào 2014.

"FDI vào ASEAN cũng tăng từ 91 tỷ USD năm 2011 lên khoảng 123 tỷ USD năm 2014, cho thấy tiềm năng tăng trưởng vẫn còn tiếp tục", ông Feisal Zahir đánh giá.

Ngoài ra, ông John Chong, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Maybank Kim Eng bổ sung rằng hội nhập kinh tế có thể sẽ kích thích tăng các hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp.

"Chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều hoạt động mua bán sáp nhập hơn do các doanh nghiệp trong khu vực củng cố cơ chế và hoạt động. Việc thu hút vốn cũng sẽ tăng do nhu cầu phát triển mở rộng ra toàn khu vực của các doanh nghiệp và nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng mới", ông John Chong nói.

ASEAN cần 1 một chiến lược riêng

Theo ông Datuk Abdul Farid Alias, các nước trong khu vực phải đặt ra và trả lời 3 câu hỏi:

1. Ta có chiến lược ASEAN không? Nếu chưa có thì tại sao? Theo tạp chí Economist, 80% các doanh nghiệp ngoài ASEAN đã xây dựng chiến lược ASEAN cho mình, nhưng chỉ có 55% các doanh nghiệp ASEAN đang coi mình là công ty đa quốc gia của ASEAN.

2. Ta đang làm gì để tận dụng công nghệ đột phá, hoặc để bảo vệ thị trường của ta từ những nơi khác đã sử dụng hiệu quả những công nghệ này? Chúng tôi hiểu rằng từng phải mất 20 năm để xây dựng một công ty trị giá tỷ USD, nhưng bây giờ chỉ mất không tới một năm. Và tuổi thọ trung bình của một công ty nằm trong chỉ số S&P 500 đã giảm từ 67 năm trong những năm 1920 xuống 15 năm. Mọi khía cạnh kinh doanh sẽ bị công nghệ chi phối và thông tin phản hồi từ ngành ngân hàng đã khiến ta vô cùng hào hứng, với một thông điệp rõ ràng 'thích ứng' hoặc 'chết'.

3. Bạn đang làm gì để tận dụng từ thế hệ người tiêu dùng mới tại ASEAN? ASEAN là một trong những thị trường có lực lượng lao động trẻ đang tăng mạnh nhất thế giới. Nền kinh tế của chúng ta được dự báo sẽ duy trì tăng trưởng ở mức gần với Trung Quốc và Ấn Độ. Và tỷ trọng của chúng ta trong khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ tiếp tục gia tăng.

Chủ tịch tập đoàn Maybank nhấn mạnh, những câu hỏi trên sẽ khơi dậy mọi người phải nghĩ lại về ASEAN và hiểu rõ ASEAN là gì. Hãy suy nghĩ về điều đó cho chính bạn và cả doanh nghiệp của bạn.

Nguồn: Biz Live