(VnMedia) - Việc tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do giúp doanh nghiệp Việt có nhiều thuận lợi, khi nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất 0%, nhưng những quy định nghiêm ngặt về xuất xứ hàng hoá sẽ làm khó các doanh nghiệp. Đặc biệt là dệt may, da giày… 

Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), vừa phối hợp với Tổng Cục Hải Quan tổ chức “Hội thảo về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong các Hiệp định thương mại tự do”. Theo đó, những thuận lợi và khó khăn về việc xác minh hàng hoá khi Việt Nam tham dự kí kết FTA đã được đưa ra. 

Việt Nam sẽ gặp khó trong chứng minh xuất xứ hàng hoá 

Theo bà Trần Thị Thu Hương – Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, việc áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá là xu thế bắt buộc trong đàm phán một số Hiệp định thương mại tự do (FTA). Với phương thức này, công động doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều thuận lợi. Trong đó, nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu sẽ tự khai báo xuất xứ của hàng hoá với cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, mà không cần phải nộp giấy Chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) do nước xuất khẩu như thông thường.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi trên, bà Hương cũng cho biết, khi áp dụng phương thức này nhiều doanh nghiệp sẽ không có kiến thức đầy đủ về các quy tắc xuất xứ, nên lúng túng trong việc thực hiện cũng như tận dụng triệt để các quy định về quy tắc xuất xứ của các nước. 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nestor Scherbey – Chuyên gia tư vấn của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), việc tham gia ký kết Hiệp định thương mại tự doanh các doanh nghiệp việc sẽ vấp phải không ít khó khăn, trong việc xác định quy tắc xuất xứ và thủ tục xác minh xuất xứ, đặc biệt là ngành dệt may. 

Theo ông Nestor Scherbey, quy tắc xuất xứ và các thủ tục liên quan đến sản phẩm dệt may trong các FTA có mức độ chuyên biệt hoá cao và kỹ thuật rất phức tạp. Chúng đòi hỏi hiểu biết sâu sắc về nguyên liệu dệt, bao gồm các định nghĩa cụ thể về xơ, sợi, phụ liệu và các hàng hoá khác vì mục đích tính thuế. “Để đáp ứng xuất xứ trong FTA, một công đoạn gia công đơn giản có thể là chưa đủ. Sản phẩm của một nước thành viên phải đám ứng tiêu chí xuất xứ phù hợp, để hàng hoá được cho là có xuất xứ”, ông Nestor Scherbey chia sẻ. 

Chia sẻ về những khó khăn này, đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện nay, nếu doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu sang các nước ASEAN thủ tục sẽ rất đơn giản, bởi doanh nghiệp có thể mua nguyên vật liệu ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, khi ký FTA và xuất khẩu hàng sang Nhật Bản để được hưởng những ưu đãi về thuế, các doanh nghiệp Việt bắt buộc phải đáp ứng đầu đủ các yêu cầu khắt khe về xuất xứ hàng hoá. 

“Trong cùng một dây chuyền sản xuất hàng hoá xuất khẩu sang các nước, nhưng dây chuyền này có thể sẽ không đủ tiêu chuẩn khi sản xuất hàng xuất sang Nhật Bản. Đây là những trở ngại đối với không ít doanh nghiệp trong nước, vốn chưa hiểu nhiều về quy tắc xuất xứ hàng hoá”, đại diện Bộ Công Thương chia sẻ. 
  
Cần tận dụng tốt cơ hội để hưởng ưu đãi 

Cũng liên quan đến xuất xứ hàng hoá, ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải Quan cho biết, việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu rất quan trọng với doanh nghiệp, bởi người khai hải quan phải tự khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. 

Ông Âu Anh Tuấn cũng cho biết thêm, việc xét cơ chế tự chứng nhận xuất xứ phụ thuộc vào mức độ tuân thủ quy định của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan, quy mô sản xuất, lĩnh vực sản xuất hoặc sản phẩm họ xuất ra rủi ro thấp, ít gian lận thì bộ Công Thương sẽ xem xét yếu tố đó, để quyết định danh sách doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu của mình. 

Cũng theo ông Âu Anh Tuấn, đối với rủi ro hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ không đúng có thể ảnh hưởng đến, hàng hóa xuất khẩu tương tự của Việt Nam sang nước đó. Một số Hiệp định đang đàm phán khi cơ quan Hải quan của nước nhập khẩu phát hiện xuất xứ hàng hóa không đúng, có thể thực hiện lệnh tạm ngừng hàng hóa của quốc gia đó xuất khẩu sang nước nhập khẩu. Nếu kiểm soát không tốt sẽ ảnh hưởng tới hàng hóa của Việt Nam, ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính. 

“Trước những lợi ích từ việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa mang lại, doanh nghiệp cần bố trí nguồn nhân lực hợp lý để thực hiện tốt cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Chỉ khi thực hiện bài bản, đầy đủ thì doanh nghiệp mới được hưởng hết những lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại”, đại diện Tổng cục Hải quan chia sẻ.

Nguồn: VnMedia