FTA - “làn gió mới” cho tăng trưởng
29/03/2015 14Hội nhập không chỉ là động lực giúp Việt Nam cải thiện chể thế kinh tế thị trường mà còn là cơ hội cho DN tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh để thích nghi với quá trình “đào thải” của thị trường.
Phát triển là động lực
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, một trong những cơ hội của Việt Nam khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là mở rộng thị trường XNK - nhân tố chính tạo nên tăng trưởng của đất nước.
Bên cạnh đó, khi các nước xóa bỏ hàng rào thuế quan, hàng hóa XK của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn. Đặc biệt, khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết sẽ mở ra cơ hội cho hàng Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng cao toàn cầu.
“Nếu Việt Nam trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng thì khả năng mở rộng sản xuất và phát triển thị trường là rất lớn”, ông Khánh nói. Các FTA còn giúp Việt Nam cơ cấu, cân bằng thị trường XNK, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường nào đó.
Đáng chú ý, các FTA mới hiện nay còn là động lực quan trọng giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đổi mới mô hình tăng trưởng. Khi môi trường kinh doanh được hoàn thiện, kết hợp cùng cơ hội mới sẽ giúp thúc đẩy đầu tư trong nước, nước ngoài, tạo ra năng lực sản xuất mới.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam nhìn nhận, trong kinh doanh, không rủi ro thì cũng sẽ không có lợi nhuận. Đối với ngành dệt may, các FTA có mang đến cơ hội mở rộng thị trường hay không, có tạo điều kiện cho hàng hóa XK hay không…, việc mở cửa là yếu tố quyết định.
Theo ông Trường, sau một thời gian trở thành thành viên của WTO, động lực tăng trưởng và tạo việc làm mới của ngành không còn nhiều. Do vậy, các FTA chính là những “làn gió mới” tạo đà cho tăng trưởng, cũng như tạo cơ hội dịch chuyển tiếp tục quá trình công nghiệp hóa. “Đối với DN, các FTA là kịp thời và cần thiết để DN bước vào giai đoạn cạnh tranh và kinh doanh. Những ngành tăng trưởng tốt như dệt may, da giày cũng sẽ có lúc khó khăn, do đó cần hội nhập sâu hơn với quốc tế”, ông Trường nói.
Cũng theo ông Trường, ngành dệt may Việt Nam hiện nay có các thành phần đa dạng như: DN Nhà nước, DN tư nhân, DN FDI… tạo môi trường để cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu cạnh tranh như hiện tại thì các DN dệt may Việt Nam sẽ cùng sống nhưng ở thể trạng… èo uột. Do đó, để phát triển và đi lên, ngành dệt may cần hội nhập sâu hơn.
Cuộc chơi “sàng lọc”
Là nước đi sau trong chuỗi giá trị toàn cầu, liệu cơ hội có còn không là câu hỏi mà nhiều DN đặt ra. Với câu hỏi này, ông Khánh cho rằng, trong hội nhập không nên ngại vì mình đi sau.
Ông Khánh trấn an DN: “Quá khứ đã chứng minh ngược lại. Đi sau nhưng nếu biết nắm bắt cơ hội, biết tận dụng lợi thế, biết nâng cao năng lực cạnh tranh thì sẽ giành được phần thắng”.
Dẫn chứng cho nhận định này được ông Khánh đưa ra là ngành dệt may, giày dép…, Việt Nam đi sau Trung Quốc nhưng rõ ràng thị phần của Trung Quốc tại các thị trường lớn đang giảm, nhiều đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam. Hoặc như mặt hàng điện thoại, Việt Nam đang có lợi thế khi có sự dịch chuyển sản xuất, dây chuyền trong chuỗi giá trị toàn cầu.
“Chúng ta đừng nghĩ rằng mình yếu thì không thể cạnh tranh được. Điều quan trọng là phải tạo lợi thế, giống như nước chảy chỗ trũng. Cơ hội vẫn sẽ đến với các nước đi sau biết tận dụng lợi thế và nắm bắt cơ hội”, Thứ trưởng Khánh nói.
Phân tích rõ hơn, ông Trường cho hay, đối với các DN dệt may, lợi ích ở đây là lợi ích tiềm năng. Những người tận dụng được lợi ích có khả năng cạnh tranh bền vững hơn, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, có tỷ lệ phân chia lợi nhuận trên toàn khu vực. Trong khi đó, đại đa số ngành sản xuất và XK của Việt Nam có hàm lượng giá trị gia tăng thấp và dễ bị thay thế.
Do đó, yêu cầu tất yếu của hội nhập là nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nên giá trị gia tăng cho sản phẩm. Ông Trường chia sẻ: “Để cạnh tranh được, DN cần bỏ ra chi phí để điều chỉnh hoạt động, từ gia công đơn giản sang hàm lượng giá trị gia tăng cao. Những người biết tận dụng lợi ích là những người sẽ vượt lên, có vị trí vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bản chất của hội nhập là có thắng có bại, nhưng tất cả chỉ là quá trình sàng lọc”.
Trên thực tế, DN Việt Nam phần lớn là DN nhỏ và vừa, với năng lực cạnh tranh còn thấp rất dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, xét trong bài toán tổng thể, việc hội nhập là cách tốt nhất để DN thực hiện tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Khi có cạnh tranh, DN sẽ biết cách tránh rủi ro và chủ động tìm đường đi cho mình.
Nguồn: Báo Hải quan
- Giải mã chiến lược của Mỹ trong đàm phán thương mại với Trung Quốc
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời'
- Kịch bản khiến cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đột ngột ngừng lại vào tháng 6
- Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc