Mới đây, Ngân hàng HSBC (Anh) vừa công bố chỉ số tín nhiệm thương mại (Trade Confidence Index), Việt Nam đứng thứ ba trong bảng xếp hạng tổng thể về mức độ tin tưởng vào triển vọng công cuộc kinh doanh của giới doanh nhân quốc tế trên 17 quốc gia và lãnh thổ.
Vị trí này đã cho thấy Việt Nam được xem là nơi làm ăn có sức hấp dẫn cao, được các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng. Theo bảng chỉ số tín nhiệm của ngân hàng HSBC, trên thang điểm từ 0 - 200, Việt Nam được 132 điểm, tăng 22 điểm so với lần thăm dò trước, chỉ thua Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, đứng đầu với 134 điểm, và Ấn Độ đứng thứ hai với 133 điểm.
Tuy nhiên, chỉ số tín nhiệm của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nền kinh tế khác như Hồng Kông hay Xinhgapo (111 điểm), hai trung tâm kinh doanh lớn tại châu Á được HSBC nghiên cứu. Ngoài các nước trên, chỉ số tín nhiệm của HSBC còn bao gồm một số nền kinh tế khác như Inđônêxia, Trung Quốc, Braxin, Mêhicô, Mỹ, Đức, Anh, Arập, Xêút.
Kết quả ghi nhận trong cuộc thăm dò mà HSBC công bố cũng trùng hợp với một chỉ số khác vừa được Công ty tư vấn kinh doanh quốc tế A.T. Kearney thực hiện gần đây. Trong bảng chỉ số tín nhiệm đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2010 (FDI Confidence Index), Việt Nam đứng thứ 12 trong số hơn 80 nước được giới đầu tư quốc tế tin tưởng nhất.
Dù đi sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Braxin, Đức và Ba Lan, vốn nằm trong danh sách năm điểm đầu tư được ưa chuộng nhất, Việt Nam vẫn đứng đầu danh sách các nước Đông Nam Á. Theo sau là Inđônêxia (thứ 19), Malaixia (thứ 20) và Xingapo (thứ 24). Riêng Thái Lan và Philíppin đã bị loại khỏi Top 25 trong bảng chỉ số năm 2010 này.
Với cùng chủ đề thăm dò tín nhiêm thương mại, cuối tuần qua Hội hữu nghị Pháp - Việt (AAFV) kết hợp với Câu lạc bộ hữu nghị Pháp - Việt (CAFV) đã tổ chức hội thảo về “Việt Nam đứng trước tương lai” với hơn 150 người tham dự, là cơ hội để giới đầu tư và nghiên cứu của Pháp gặp gỡ, tìm hiểu về tình hình tại Việt Nam. Tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Lê Kinh Tài, nguyên Chủ tịch Thượng viện Pháp Christian Poncelet và một số đại diện cơ quan của Bộ Ngoại giao Pháp, Cơ quan phát triển Pháp (AFD), các doanh nghiệp lớn của Pháp. Đây là hoạt động lớn nhất của AAFV để giới thiệu Việt Nam tại Pháp từ đầu năm đến nay, bên cạnh nhiều hoạt động khác thiết thực khác nhằm giúp đỡ Việt Nam.
Trong bàn tròn về kinh tế Việt Nam, với tiêu đề “Một nền kinh tế năng động, mở cửa ra thế giới và tăng trưởng cao trong 20 năm liên tục”, chuyên gia nghiên cứu kinh tế hàng đầu về các nước Đông Nam Á, Jean Raphael Chaponnière, đã phân tích sâu sắc về tình hình kinh tế Việt Nam sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Ông cho rằng mặc dù gặp phải một số vấn đề phát triển và hứng chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, Việt Nam vẫn giữ được lòng tin của các nhà đầu tư và tiếp tục thu hút các doanh nghiệp nước ngoài. Ông dự đoán trong những tháng tới “lương công nhân ở các tỉnh miền nam Trung Quốc tăng và đồng NDT lên giá sẽ thu hút các doanh nghiệp, vốn từ năm 2007 đã theo đuổi chiến lược “Trung Quốc + 1”, sang Việt Nam, tạo ra một đợt tăng tốc xuất khẩu mới”.
Bên cạnh các lợi thế của nền kinh tế, như dân số trẻ, mức độ tiêu dùng của các hộ gia đình cao hơn Trung Quốc, chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo việc Việt Nam tham gia vào “đàn ngỗng kinh tế châu Á” không phải là một bảo đảm cho tương lai. Để vượt qua tình trạng nền kinh tế gia công và lắp ráp, hướng tới các hoạt động mang lại giá trị thặng dư cao, Việt Nam cần phải cải thiện cơ sở hạ tầng và hệ thống giáo dục đào tạo.
Các cuộc thảo luận bàn tròn sau đó đã giới thiệu những đặc điểm của hệ thống chính trị Việt Nam, cũng như các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển cao như dịch vụ y tế - bảo vệ môi trường, thị trường tài chính - bảo hiểm, công nghệ cao. Đây cũng là các lĩnh vực mà giới đầu tư Pháp chú ý.
Mới đây, một phái đoàn gồm 10 công ty Ôxtraylia hoạt động trong lĩnh vực khai mỏ đã tới Việt Nam trong một chương trình kéo dài 3 ngày ( từ 10-12/5) để tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
Trong thời gian ở Việt Nam, phái đoàn sẽ tham gia Hội thảo Công nghiệp Khai mỏ Ôxtraylia đồng thời sẽ tới thăm các khu khai thác mỏ và gặp gỡ các công ty Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này.
Đại sứ Ôxtraylia tại Việt Nam Allaster Cox, trong một thông cáo nói rằng những sáng kiến như chuyến thăm của các phái đoàn khai mỏ Ôxtraylia giúp tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước và chuyến thăm lần này cũng mang lại cho ngành công nghiệp khai mỏ của Việt Nam cơ hội tìm hiểu kiến thức và chuyên môn của Ôxtraylia
Căn cứ vào một cuộc thăm dò khác do Công ty Nghiên cứu Thị trường Insigh Asia của Xingapo tiến hành chỉ số lòng tin của giới tiêu dùng tại Việt Nam cũng được đánh giá khả quan. Theo nhật báo mạng Malayxia The Star, trong quý I/2010 chỉ số lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam đạt 132 điểm, đứng sau Xingapo, nhưng trên Trung Quốc, Malaixia hay Inđônêxia,TháiLan.

Theo nhận định của Công ty Business Monitor International (BMI) có trụ sở tại Anh thì điểm mạnh của Việt Nam để tạo sự hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài đó là lực lượng lao động lớn, có kỹ năng và chi phí thấp Ngoài ra, vị trí của Việt Nam gần Trung Quốc, lại là đầu mối quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, có các tuyến đường biển thuận lợi trở thành một căn cứ tốt để các công ty nước ngoài xuất khẩu hàng sang các nước châu Á và các khu vực khác. Đây không những là cơ hội thu hút được nhiều nguồn đầu tư của các nền kinh tế chủ chốt mà còn là cơ hội cho việc chuyển giao công nghệ cao cho Việt Nam tạo điều kiện thu hút mới đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Nguồn: Cổng Thương vụ Việt Nam