Thương mại Việt Nam do đang còn ở trình độ phát triển rất thấp, lại phát triển nhanh, cho nên những tồn tại bên trong tất yếu “cộng hưởng” với những tác động hết sức nặng nề từ bên ngoài khiến thương mại Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ.
Việt Nam trong bức tranh tối thương mại toàn cầu năm 2009
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mậu dịch hàng hóa thế giới giảm 12% (về lượng) trong năm 2009, mức giảm mạnh nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2. Trong khi đó, khối lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2009 không những không giảm như năm 2008, mà ngược lại, còn tăng, thậm chí tăng mạnh.
Các số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, trong khi xuất khẩu hàng hóa của 65 quốc gia xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất thế giới (chiếm trên dưới 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thế giới) đã giảm 21,6% trong năm qua. Vì thế, mức giảm chỉ 9,4% của Việt Nam là một kết quả rất đáng khích lệ. Bởi lẽ, 9,4% là mức giảm thấp nhất trong số 39 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu từ 50 tỉ đô la Mỹ trở lên của thế giới trong năm 2009. Trong đó, điều cần lưu ý là xuất khẩu của tất cả các cường quốc thế giới đều giảm rất mạnh, chẳng hạn như Trung Quốc giảm 16%; Đức giảm 22,6%; Hoa Kỳ giảm 17,9%; Nhật giảm 25,8%...
Do vậy, cho dù xuất khẩu tăng tới 29,1% trong năm 2008, nhưng nhịp độ tăng này chưa đủ nhanh, cho nên Việt Nam vẫn bị loại khỏi danh sách 50 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất thế giới. Trong khi, năm 2009 tuy kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh, nhưng Việt Nam chẳng những được xếp trở lại vào danh sách này, mà gần như chắc chắn sẽ có được thứ hạng chưa từng có kể từ năm 1999 đến nay (thứ hạng cao nhất là 47 vào năm 2002).
Một cách tương tự, mức giảm 13,7% trong nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2009 cũng là mức giảm thuộc loại thấp nhất trong số 40 quốc gia và vùng lãnh thổ có quy mô nhập khẩu hàng hóa từ 50 tỉ đô la Mỹ trở lên, cho nên chắc chắn Việt Nam không những sẽ tiếp tục có tên trong danh sách 50 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất thế giới trong năm 2009, mà gần như chắc chắn sẽ lần đầu tiên lọt vào tốp 30 nền kinh tế nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất (thứ hạng cao nhất là thứ 41 trong hai năm 2007 và 2008).
Rõ ràng, nguyên nhân quan trọng nhất khiến thương mại hàng hóa thế giới giảm mạnh như vậy chính là giá hàng hóa thế giới trong năm 2009 đã “rơi tự do”. Bởi lẽ, theo số liệu thống kê của IMF, thay vì tăng đột biến 27,5% trong năm 2008 sau một chuỗi năm năm liên tục tăng trước đó (2003-2007), giá nguyên liệu thế giới năm 2009 đã giảm 31%. Như vậy mặt bằng giá đã trở lại mức của quí 3-2007.
Nói tóm lại, do những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế, thương mại thế giới năm 2009 đã giảm kỷ lục trong vòng gần tám thập kỷ gần đây và những kết quả của Việt Nam là rất đáng khích lệ.
Một thành tựu nổi bật khác của thương mại Việt Nam chính là sự phát triển vượt bậc của thị trường bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong nước (sau đây gọi tắt là thị trường trong nước).
Trước hết, như các số liệu thống kê cho thấy, với 1.197,5 ngàn tỉ đồng, tăng 18,6%, nếu quy ra đô la Mỹ thì thị trường trong nước đã đạt khoảng 66,2 tỉ đô la. Như vậy, trong khi xuất khẩu hàng hóa giảm mạnh kỷ lục như nói trên, thị trường trong nước đã vượt xuất khẩu 9,4 tỉ đô la cho nên đương nhiên trở thành nguồn động lực lớn nhất thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Có thể nói, đây thực sự là một phát triển vượt bậc, bởi liên tục trong ba năm 2006-2008, thị trường xuất khẩu hàng hóa đã liên tục thế chỗ thị trường trong nước giữ vai trò lớn nhất thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Không những vậy, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, vai trò thúc đẩy nền kinh tế phát triển của thị trường trong nước trên thực tế trong năm 2009 đã được nâng cao đáng kể. Bởi lẽ, như các kết quả tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, dù sức mua của thị trường trong nước chỉ tăng 18,6% theo giá thực tế, còn loại trừ yếu tố giá thì mức tăng này vẫn đạt 11%, trong khi mức tăng theo giá thực tế trong năm 2008 cao hơn rất nhiều, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 6,5%.
Những thách thức chủ yếu trong năm 2010
Cho dù đã đạt được những thành tựu quan trọng như vậy, nhưng thương mại Việt Nam hiện đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Trong đó, những thách thức chủ yếu bao gồm:
- Thứ nhất, việc xuất khẩu bị thu hẹp đáng kể trong năm 2009 càng làm cho việc mở rộng thị trường đầu ra trở nên bức xúc.
Các số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu hàng hóa trong ba năm “tiền WTO” của nước ta tăng trưởng bình quân 25,44%/năm, nhưng trong ba năm “hậu WTO” vừa qua chỉ đạt 12,56%/năm. Điều này trái ngược hoàn toàn với trường hợp của Trung Quốc, bởi nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu của nước này bình quân 21,73%/năm trong tám năm “hậu WTO”, còn tám năm “tiền WTO” chỉ đạt 12,96%/năm.
Nói cách khác, tuy đã thành công trong năm 2009 đầy thách thức, nhưng xét trên tổng thể, việc mở rộng thị trường xuất khẩu trong ba năm “hậu WTO” vẫn chưa có những đột biến lớn, cho nên áp lực mở rộng thị trường đầu ra này đang rất lớn.
- Thứ hai, trong khi xuất khẩu tụt dốc như vậy, áp lực gia tăng nhập khẩu vẫn rất lớn, cho nên áp lực nhập siêu cũng rất mạnh.
Bởi lẽ, tăng trưởng nhập khẩu trong ba năm “hậu WTO” vẫn lên đến 15,78%/năm, cao hơn nhiều so với nhịp độ tăng xuất khẩu. Trong khi đó, nhịp độ này trong ba năm “tiền WTO” chỉ là 21,18%/năm, thấp khá xa so với tăng trưởng xuất khẩu đã nói ở trên.
Trong điều kiện như vậy, áp lực nhập siêu có nhiều khả năng sẽ tiếp tục mạnh thêm trong năm nay. Các số liệu thống kê của IMF cho thấy sau khi thoát đáy từ tháng 2-2009 đến nay, giá nguyên liệu thế giới đã hầu như liên tục tăng trong suốt 12 tháng trở lại đây với nhịp độ 3,11%/tháng. Cho nên mặt bằng giá hiện tại đã tương đương với quí 3-2007, tức là giống như giai đoạn giá thế giới bước vào thời đoạn tăng tốc để đạt mức “đỉnh” sốt nóng vào giữa năm 2008.
Hẳn nhiên, việc giá cả thế giới tăng sẽ là nguồn động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu tăng tốc, nhưng rõ ràng trong điều kiện của một nền kinh tế nhập khẩu liên tục vượt xa xuất khẩu như Việt Nam, sự gia tăng của giá cả sẽ khiến cho kim ngạch nhập khẩu bị “khuyếch đại” lớn hơn nhiều so với xuất khẩu. Do vậy, mục tiêu kiềm chế nhập siêu ở ngưỡng 20% sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều so với năm 2009.
- Thứ ba, trong điều kiện như đã phân tích, một hệ quả tất yếu kèm theo chính là lạm phát sẽ đứng trước nguy cơ tăng mạnh trở lại. Trước hết, các kết quả tính toán cho thấy, nếu như xuất khẩu năm nay đạt được mục tiêu tăng 7% thì sẽ đạt 60,78 tỉ đô la Mỹ, còn để đạt được mục tiêu kiềm chế nhập siêu ở ngưỡng 20% thì “hạn ngạch” nhập khẩu sẽ chỉ là 72,93 tỉ đô la Mỹ, tức là sẽ chỉ tăng rất khiêm tốn 4,7% trong năm nay. Rõ ràng, đây sẽ là điều không hề dễ dàng trong điều kiện nhập khẩu vẫn tăng so với xuất khẩu.
Sở dĩ như vậy là do quy mô nhập khẩu, đặc biệt là nguyên liệu, rất lớn so với GDP, cho nên nhập khẩu bị khuyếch đại” bởi yếu tố giá cả. Điều này cũng khiến cho thị trường trong nước bị “tăng nhiệt” rất mạnh.
Nói tóm lại, tuy đã thành công rất lớn trong việc đối mặt với những khó khăn do khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu gây ra trong năm 2009, nhưng thương mại Việt Nam trong năm nay vừa phải đứng trước nhiệm vụ “giải bài toán” mở rộng thị trường xuất khẩu đầy khó khăn, vừa phải đối mặt với nguy cơ tái lạm phát và nhập siêu tăng trở lại.
Do vậy, rất có thể đã đến lúc Việt Nam cần phải nhanh chóng chuyển hướng chiến lược từ đẩy mạnh xuất khẩu đồng thời phụ thuộc rất nặng vào nhập khẩu như hiện nay sang nâng cao hiệu quả xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước. Bởi lẽ, suy cho cùng, tình trạng nhập khẩu và nhập siêu tăng mạnh, cũng như lạm phát tăng cao trong những năm gần đây có phần rất quan trọng do phụ thuộc vào nhập khẩu. Nói cách khác, sau chặng đường 25 năm đổi mới, nay tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả khai thác thị trường xuất khẩu và trong nước đang là vấn đề cấp bách không chỉ trong năm 2010, mà trong cả chặng đường dài phát triển sắp tới.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online