(TBTCO) - Tham gia vào các FTA, bên cạnh rủi ro sẽ có nhiều cơ hội và lợi ích cho doanh nghiệp (DN). Vấn đề nằm ở chỗ DN sẽ tận dụng những điểm tích cực đó như thế nào để thành công.

Đây là chủ đề chính buổi "Tọa đàm Việt Nam tham gia FTA" do cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức mới đây.

FTA mở ra nhiều "cánh cửa" mới cho DN

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cho biết, tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA), trong đó có 6 FTA khu vực (ASEAN, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Australia-New Zealand, ASEAN-Ấn Độ) và 2 FTA song phương (VJEPA với Nhật Bản và FTA Việt Nam-Chile).

Trước mắt, Việt Nam đang tiến hành đàm phán 7 FTA: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), FTA Việt Nam - Liên minh Hải quan, Hàn Quốc… Trong đó, 2 hiệp định đã cơ bản hoàn tất là FTA Việt Nam - Liên minh Hải quan, Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam - EU cũng đang có nhiều tín hiệu khả quan.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc tham gia các FTA đã có tác động tích cực đến kim ngạch xuất khẩu, giúp giảm dần việc nhập siêu. Sau khi có hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc từ chỉ tăng bình quân 6%/năm đã tăng lên mức 38%/năm. Đối với ngành dệt may, sau 5 năm gia nhập WTO, thị phần của Việt Nam tại Mỹ đã tăng từ 5% lên 37%.

Theo đó, Việt Nam sẽ ngày càng hội nhập sâu vào các nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đối tượng chính mà các FTA nhắm tới là cộng đồng DN thì hầu hết DN lại đang ở trong trạng thái bị động, e ngại và băn khoăn, từ việc DN sẽ được hưởng lợi ích gì cũng như gặp phải rào cản nào từ các FTA? DN sẽ ra sao khi phải cạnh tranh với DN từ các nước khác?

Giải đáp các thắc mắc này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, về vĩ mô, tham gia các FTA sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu, tái cơ cấu xuất nhập khẩu cũng thuận lợi hơn, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường và chúng ta sẽ trở thành một thành tố của chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, các FTA có tác động rất quan trọng trong việc giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy đầu tư trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của hệ thống công chức nhà nước.

Đối với hệ thống DN, chính các FTA sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. FTA đem lại cơ hội mới cho DN thông qua hình thức xóa bỏ thuế nhập khẩu. Đồng thời, DN có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và trở thành “mắt xích” trong chuỗi, tăng khả năng ổn định sản xuất…

“DN không nên quá lo ngại vì Việt Nam có nguyên tắc đàm phán để đạt được lợi ích gì, chấp nhận điều kiện “cuộc chơi” tới đâu và lộ trình như thế nào. Quan trọng hơn là khi tham gia các FTA sẽ tạo ra lực đẩy cùng chiều với việc cải cách kinh tế trong nước và đặc biệt là Việt Nam đưa ra yêu cầu phải kiểm soát được việc hội nhập”, ông Khánh cho biết thêm.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết, trên thực tế rất nhiều DN lo lắng khi tham gia các FTA - các cuộc chơi lớn này sẽ rất dễ làm DN bị tổn thương hoặc bị đẩy khỏi thị trường. Tuy nhiên, nhìn nhận tổng thể sẽ thấy, việc hội nhập là cách tốt nhất để DN thực hiện tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh và nếu đi vào từng thị trường, cơ hội chiến thắng sẽ được chia đều.

“Bên cạnh những mặt tích cực, các FTA chắc chắn sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro đối với DN. Tuy nhiên, bản thân mỗi DN khi tham gia thương trường đều xác định rủi ro thì mới tạo ra cơ hội và lợi nhuận, các FTA sẽ mở ra những cánh cửa mới cho thị trường hàng hóa Việt Nam nên DN không nên e ngại", ông Thiên chia sẻ thêm.

Doanh nghiệp cần lấp kín “kẽ hở”

Theo ông Thiên, chúng ta đều biết, DN Việt bước vào sân chơi FTA với nhiều lợi thế song cũng không ít khó khăn bởi “nội lực” yếu, từ quy mô, vốn đến trình độ công nghệ, nhân lực…Vì vậy, đây là giai đoạn DN Việt phải rất chú trọng vào yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh.

Có một thực tế vô cùng lo ngại hiện nay là số DN hiểu biết về các FTA còn quá ít ỏi, chỉ 20%, đây là "kẽ hở” trong kiến thức của cộng đồng DN. Bởi điều đó có nghĩa là DN vẫn loay hoay chưa biết được mình đang đứng ở đâu và phải làm gì trong sân chơi này.

“Đã đến lúc DN buộc phải bằng cách này, cách khác, dưới sự hỗ trợ của các hiệp hội, các cơ quan quản lý nhà nước để xác định được vị trí của mình, đồng thời tìm hiểu về các FTA để có những chiến lược ngắn hạn, dài hạn nhằm chủ động nắm bắt cơ hội từ FTA. Đặc biệt, bản thân DN phải tự lấp kín những “kẽ hở” của mình nếu muốn tồn tại và phát triển trong sân chơi hội nhập”, ông Thiên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tham gia vào các FTA, DN sẽ chỉ hưởng lợi khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. FTA sẽ tạo ra một quá trình sàng lọc khắt khe và DN nào tận dụng được lợi ích của nó thì sẽ thành công. Ngành dệt may được đánh giá là một trong những ngành hưởng lợi nhiều nhất từ các FTA, cơ hội chia đều cho gần 7.000 DN trong ngành hiện nay nhưng có thành công hay không thì còn phụ thuộc vào khả năng của từng DN.

Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng nhấn mạnh thêm, các hiệp hội, các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan cần có biện pháp giúp DN tìm hiểu về các FTA cũng như chuẩn bị những điều kiện cần thiết làm hành trang cho DN bước vào sân chơi này. Đặc biệt, Chính phủ cũng cần chuẩn bị một môi trường cạnh tranh theo một lộ trình nhất định để tránh bỡ ngỡ cho DN./.

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam