Chính sách cấm vận Nga của Mỹ, các nước EU được thực hiện cách đây một năm do liên quan đến sự kiện địa chinh trị Ucraina. Ứng phó trước tình hình đó, ngày 7 tháng 08 năm 2014, Nga tuyên bố 01 năm ngừng nhập khẩu các sản phẩm thịt, sữa, thủy sản, rau, quả từ Mỹ, các nước EU, Canada, Úc và Na Uy.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Nga, các sản phẩm bị cấm từ các nước nêu trên không “vào” được thị trường Nga chiếm tỉ trọng nhập khẩu theo từng nhóm hàng nhập khẩu như sau: 47,2% thịt (848,5 ngàn tấn), gồm 72,7% thịt lợn (450,8 ngàn tấn) và 64,8% thịt gia cầm (338,7 ngàn tấn); 38,5% sữa và sản phẩm sữa (3,64 triệu tấn), trong đó; 60% pho mát (249,9 ngàn tấn) và 25,2% rau, củ, quả (1,6 triệu tấn). Phần lớn lượng sản phẩm trên được bù vào nhờ sản suất trong nước và nhập khẩu từ các nước khác. Thị trường Nga hiện nay vẫn sống khỏe trước cấm vận.
Sau một năm cấm vận Nga, các nước EU nhìn lại nền kinh tế của mình với thiệt hại không nhỏ. Các nhà sản xuất EU mất đối tác chiến lược với Nga. Nền kinh tế EU, theo đánh giá của chuyên gia EU, tính ra thua thiệt đến 40 tỉ euro. Trong đó, các nhà sản xuất nông nghiệp của EU thiệt hại lên tới 12 tỉ euro.
Hiện nay, Chính phủ Ship, Hy Lạp, Hungaria đàm phán với Nga về việc tiếp tục xuất khẩu hàng nông sản, sản phẩm sữa, thịt từ các nước này vào Nga. Tuần trước, Bộ Nông nghiệp Nga tuyên bố đang nghiên cứu khả năng cho phép một số mặt hàng rau, củ, quả của một số nước EU, trước hết là Ship, Hy Lạp, Hungaria tiếp tục được nhập vào Nga. Theo ý kiến của Cơ quan Kiểm dịch động, thực vật Nga (Roselkhoznadzor), có thể từ ngày 6 tháng 4 tới sẽ cho phép Hy Lạp xuất khẩu rau, củ, quả, sau đó sẽ nghiên cứu tiếp đến Ship, Hunggaria. Theo Roselkhoznadzor, dỡ bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu rau, củ, quả từ các nước EU cũng chỉ cho phép 20-30% nhà xuất khẩu của các nước này tiếp cận với thị trường Nga.
Ngày 4 tháng 03 năm 2015, thông qua lệnh số 13660, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố kéo dài trừng phạt Nga thêm 01 năm nữa. Tiếp đến, ngày 13 tháng 03 năm 2015, EU lên tiếng tiếp tục kéo dài cấm vận đối với Nga thêm 6 tháng. Dự kiến, cuộc họp cấp cao của EU vào tháng 6, hoặc tháng 7 tới sẽ xem xét có kéo dài cấm vận Nga đến cuối năm 2015 hay không. Tuy nhiên, hiện nay nội bộ EU đang nảy sinh những bất đồng về vấn đề này. Các nhà Lãnh đạo Ship, Hy Lạp, Hunggaria lên tiếng phê phán chính sách cấm vận của EU đối với Nga. Ngày 20 tháng 3 năm 2015, Thứ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Kostas Isikhos trả lời phỏng vấn báo Thương gia “Commersant” của Nga: việc cấm vận đã tạo ra ở châu Âu ngày càng nhiều vấn đề, giải pháp có khả năng duy nhất là bình thường hóa với Nga. Hiện tại, 7 nước trong Liên minh châu Âu (Ship, Hy Lạp, Hunggaria, Slovakia, Áo, Tây Ban Nha) phản đối việc mở rộng trừng phạt đối với Nga.
Hiện tại, Mỹ và EU chưa loại Nga ra khỏi Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT). SWIFT có khoảng 10 ngàn tổ chức tài chính của hơn 210 nước tham gia. Đây là tổ chức quan trọng, hỗ trợ hiệu quả cho việc chuyển tiền, thanh toán toàn cầu. Mỗi năm trong nội bộ Hiệp hội trao đổi khoảng 1,8 tỉ thông tin về tài chính. Hiện nay, Nga có 600 cơ sở, trong đó có Ngân hàng Nước Nga và các ngân hàng lớn của Nga, tham gia SWIFT.
Hãng Bloomberg giải thích rõ Mỹ và EU không loại Nga khỏi SWIFT, vì nếu điều này xảy ra sẽ dẫn đến thiệt hại không thể lường trước đối với các nước, trong đó kể cả Mỹ và EU.
Chính sách cấm vận của Mỹ, EU và một số nước khác, cùng với giải pháp ứng phó của Nga là cơ hội thuận lợi cho các nước khác, trong đó có Việt Nam, xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản, các sản phẩm thịt, sữa vào thị trường Nga. Tuy nhiên, tình hình này sẽ kéo dài không lâu, nếu các doanh nghiệp Việt Nam thiếu chủ động trong công tác xúc tiến thương mại vào Nga, thì sẽ bỏ lỡ cơ hội hiếm có tại thị trường đầy tiềm năng này./.
Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Nga
- Nông sản Việt rộng đường chính ngạch vào Trung Quốc
- Mỹ - Trung 'đình chiến': Nhu cầu vận chuyển xuyên Thái Bình Dương tăng vọt
- Thỏa thuận ngừng đánh thuế Mỹ - Trung là "bước ngoặt" của thị trường
- Tạo lợi thế cho hàng Việt thích ứng luật chơi toàn cầu
- Mỹ chỉ rõ quan ngại lớn nhất với Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói gì?