Các dự báo, tính toán từ nhiều nguồn khác nhau đều nhận định rằng: tốc độ và tỷ lệ nhập siêu giữa Việt Nam với Trung Quốc sẽ ngày càng cao hơn. Vì sao như vậy?
Trung Quốc hiện là bạn hàng xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam sau Hoa Kỳ và Nhật Bản với tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam trong năm 2009 khoảng 4,91 tỉ đô la Mỹ. Con số đó tuy chỉ chiếm 0,48% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc nhưng lại chiếm đến 8,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2009, năm bị ảnh hưởng nặng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu nên kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chỉ đạt mức 16,44 tỉ đô la Mỹ. Tuy vậy, con số chênh lệch giữa kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu chỉ tính riêng ở thị trường Trung Quốc đã là 11,53 tỉ đô la (Việt Nam nhập siêu) nên tốc độ xuất khẩu dù có gia tăng mạnh hơn (tăng 8,23% so với năm 2008) cũng không bù đắp được sự chênh lệch này. Do vậy, tốc độ nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc tuy có giảm mạnh trong năm 2009 (chỉ tăng 3,74% so với năm trước) nhưng nhập siêu vẫn chưa có dấu hiệu đảo chiều.
Lý do đầu tiên để dự báo nhập siêu với Trung Quốc sẽ tiếp tục nới rộng là cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đang được điều chỉnh theo hướng hạn chế dần việc xuất khẩu nhóm hàng nguyên liệu, nhiên liệu và khoáng sản thô. Song, đây lại là nhóm hàng chiếm tỷ trọng trung bình khoảng 55-60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Ví dụ như xuất khẩu than đá sang Trung Quốc năm 2009 đạt xấp xỉ 940 triệu đô la, dầu thô 662 triệu đô la, cao su thiên nhiên 850 triệu, quặng và các khoáng sản khác khoảng 103 triệu đô la Mỹ. Trong số này chỉ có cao su là mặt hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tương đối và còn có khả năng tăng trưởng xuất khẩu. Hai nhóm mặt hàng chủ lực là dầu thô và than đá sẽ giảm mạnh. Dầu thô xuất khẩu năm 2009 đã giảm khoảng 24% để phục vụ cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và sẽ còn tiếp tục giảm. Còn than xuất khẩu sẽ dừng vào năm 2015 theo Chiến lược phát triển ngành than.
Tình hình này sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh vì với gần 1 tỉ đô la kim ngạch xuất khẩu than năm 2009, nhóm hàng này đã chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ở nhóm hàng xuất khẩu có thể đẩy mạnh và hiện chiếm tỷ trọng trung bình từ 15-20% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc là nhóm nông, thủy sản thì sức cạnh tranh với chính hàng Trung Quốc và các quốc gia trong nhóm ASEAN 6 (Thái Lan, Malaysia...) lại yếu. Chủ yếu các mặt hàng xuất đi của Việt Nam là trái cây, cà phê, sắn lát, tinh bột sắn là hàng nguyên liệu hoặc sơ chế, số lượng tuy lớn nhưng giá trị thấp và khả năng tổ chức sản xuất để đảm bảo xuất khẩu theo các quy trình mà đối tác yêu cầu là rất yếu. Việc xuất khẩu nhóm hàng này mang tính manh mún, thời vụ và phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu của đối tác khiến cho việc đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu cũng khó có thể chủ động, dù tiềm năng của Việt Nam còn lớn.
Đối với thị trường Trung Quốc, Việt Nam chưa có cách thức tổ chức thị trường một cách bài bản để tập trung vào xuất khẩu một số sản phẩm có thế mạnh, thay vì cứ giới thiệu hàng hóa mang tính đại trà hoặc xuất khẩu một cách tự phát. Điều đó không mang lại hiệu quả xuất khẩu cao. Ở một khía cạnh khác, công tác xúc tiến thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn sơ sài.
Ở chiều ngược lại, từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn nắm thế thượng phong khi xuất khẩu các sản phẩm thiết yếu phục vụ cho sản xuất ở Việt Nam, chưa kể đến sự tràn ngập của các mặt hàng tiêu dùng khác. Việc cắt giảm thuế quan đối với danh mục hàng hóa thông thường (hơn 7.000 sản phẩm) kể từ năm 2005 đến nay theo Hiệp định Tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc, mà chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp có thế mạnh của Trung Quốc, khiến cho cơ hội tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc tại Việt Nam tăng lên.
Trong khi đó, do Việt Nam chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn thiết lập cơ sở sản xuất tại chỗ nên tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng này từ Việt Nam sang Trung Quốc rất thấp so với tương quan của các nước khác trong khu vực. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy tỷ trọng xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp, linh kiện, thiết bị của Việt Nam chỉ đạt 8,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi con số này của Philippines là 88,78%, Malaysia là 70% và Thái Lan là 52,5%.
Ngoài ra do hàng Trung Quốc có giá thành thấp, chất lượng vừa phải, vì vậy việc lựa chọn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là không thể cưỡng lại được trong nhiều năm tới, do vốn đầu tư thấp và thời gian thu hồi vốn, lợi nhuận cao hơn.
Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc bình quân giai đoạn 2010-2015 đạt khoảng 20%/năm và tốc độ nhập khẩu bình quân mỗi năm tăng thêm 10%. Tuy tốc độ gia tăng xuất khẩu lớn gấp đôi nhập khẩu nhưng không có nhiều hy vọng sẽ giúp Việt Nam giảm nhập siêu từ Trung Quốc (từ những điểm phân tích ở trên). Hơn nữa kim ngạch nhập khẩu hiện cao gấp hơn ba lần kim ngạch xuất khẩu, vì vậy thu hẹp khoảng cách nhập siêu giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất khó.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online