Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN) đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cộng đồng với ba trụ cột, gồm chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội theo đúng lộ trình vào ngày 31-12 tới. Trong tiến trình này, hợp tác kinh tế trong cơ chế ASEAN +3 là một điểm sáng, không những góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư giữa ASEAN với các đối tác Ðông Bắc Á, mà còn tạo động lực cho sự tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á.

Cơ chế hợp tác giữa ASEAN với ba đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (ASEAN+3) hình thành từ năm 1997 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1999, với mục tiêu dài hạn là xây dựng Cộng đồng Ðông Á, trong đó ASEAN đóng vai trò động lực. Từ đó đến nay, hợp tác trong khuôn khổ này phát triển ổn định, nhanh chóng và sâu rộng, mang lại nhiều kết quả thực chất. Các nhà lãnh đạo ASEAN đặc biệt đánh giá cao sự hợp tác tích cực và hỗ trợ quan trọng của ba đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản dành cho ASEAN trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, cũng như trong ứng phó các thách thức chung ở khu vực. Về phần mình, cả ba đối tác trên đều cam kết tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ ASEAN hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng chung phát triển bền vững, thịnh vượng và hội nhập hơn, qua đó tạo nền tảng cho hòa bình và ổn định ở khu vực, cũng như thực hiện Tầm nhìn ASEAN sau năm 2015; tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Ðáng chú ý, trong khuôn khổ hợp tác ASEAN+3, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại trở thành một điểm sáng, không những góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư giữa ASEAN với các đối tác Ðông Bắc Á, mà còn tạo động lực cho sự tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á. ASEAN và Trung Quốc đã trở thành những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của nhau. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN kể từ năm 2009 trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc từ năm 2010. Hiệp định Ðối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) đang trong quá trình đàm phán giữa Trung Quốc, ASEAN cùng các đối tác khác sẽ tạo thuận lợi cho những dòng lưu chuyển tự do hơn của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và con người trong không gian rộng lớn hơn. Ðiều này sẽ mang lại những lợi ích to lớn, dẫn đến hình thành các chuỗi giá trị hội nhập và một cộng đồng cùng chung số phận ở châu Á.

Theo Hội đồng Doanh nghiệp Trung Quốc - ASEAN (CABC), năm 2014 kim ngạch thương mại Trung Quốc - ASEAN đạt 480,4 tỷ USD, chiếm 11,16% tổng kim ngạch ngoại thương Trung Quốc và tăng so mức 10,66% của năm 2013. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương đạt 8,3%, trong đó kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ các nước ASEAN là 208,3 tỷ USD, tăng 4,4%, xuất khẩu đạt 272 tỷ USD, tăng 11,5%; hai bên phấn đấu đạt mức trao đổi kim ngạch thương mại hai chiều lên 500 tỷ USD trong năm nay. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong ASEAN, chỉ sau Ma-lai-xi-a.

Hợp tác kinh tế thương mại ASEAN- Nhật Bản tiếp tục đà khởi sắc. Nhật Bản duy trì là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều hiện lên tới 240,8 tỷ USD. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản vào ASEAN đạt 22,9 tỷ USD, trở thành nguồn vốn FDI lớn thứ hai vào ASEAN, chiếm 18,7% tổng FDI vào Hiệp hội. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 135 tỷ USD, tổng đầu tư đạt 3,5 tỷ năm 2013. Lãnh đạo các nước ASEAN và Hàn Quốc nhất trí nâng kim ngạch thương mại song phương lên 200 tỷ USD vào năm 2020 thông qua việc vận hành tối đa hiệu quả Hiệp định tự do thương mại (FTA) mà hai bên ký năm 2006.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 17 (tháng 11-2014), lãnh đạo các nước ASEAN+3 nhất trí tiếp tục đẩy mạnh ưu tiên thực hiện các chương trình hợp tác đã thỏa thuận, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư và tài chính, duy trì đà phát triển kinh tế ngày một tăng trong khu vực. Ðể đưa hợp tác ASEAN+3 đi vào chiều sâu, thực chất hơn, các bên cần tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai Kế hoạch công tác hợp tác ASEAN+3 sửa đổi giai đoạn 2013-2017, đóng góp đầy đủ cho Quỹ Hợp tác ASEAN+3 để hỗ trợ triển khai hiệu quả hơn các dự án hợp tác, v.v. Việc duy trì môi trường hòa bình và ổn định là một trong những điều kiện tiên quyết cho kinh tế trong cơ chế hợp tác ASEAN+3 nói riêng và châu Á nói chung tiếp tục phát triển.

Nguồn: Nhân Dân