Kể từ khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế đến nay, các cơ quan quản lý vẫn “loay hoay” tìm giải pháp hữu hiệu nhất nhằm chống gian lận thương mại qua giá.
 
Hiện tượng gian dối trong hoạt động mua bán hàng hoá nhằm mục đích chiếm đoạt lợi ích kinh tế một cách bất hợp pháp đang là vấn đề “nhức nhối” với các ngành chức năng.
Khảo sát từ các ngành Hải quan, Thuế và Ngân hàng… được biết, hình thức gian lận thương mại diễn ra rất phức tạp. Biểu hiện rõ nhất là việc khai báo hàng hoá không đúng thực tế, không trung thực về thuế suất, chủng loại và giá trị đối với hàng hoá nhập khẩu. Vì để trốn thuế, “đối tượng” thường khai gian qua giá hàng hoá gây tổn thất cho lớn cho ngân sách nhà nước. Theo đánh giá của Chính phủ, thất thu thuế hàng năm do buôn lậu và gian lận thương mại gây ra khoảng 25%/tổng số thuế xuất nhập khẩu.
Nguyên nhân quan trọng trong hoạt động chống gia lận thương mại qua giá của Hải quan Việt Nam còn bị hạn chế do hệ thống các văn bản pháp quy hướng dẫn xác định trị giá quá sơ sài, thiếu tính đồng bộ đã tạo ra “môi trường” thuận lợi cho gian lận thương mại qua giá phát triển. Đã vậy, hệ thống cơ sở vật chất trang thiết bị cho công tác quản lý trị giá tính thuế còn nghèo nàn và việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý trị giá tính thuế chưa thực sự hiệu quả. Ở nhiều chi cục hải quan trong cả nước, cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật gần như chưa có, hoặc nếu có thì cũng chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.
Đặc biệt, hệ thống thông tin dữ liệu hiện nay vừa thiếu nguồn thông tin, lại yếu về chất lượng thông tin. Đây là một trong những nguyên nhân sâu sắc dẫn đến hiệu quả của công tác kiểm tra trị giá khai báo, công tác tham vấn duy trì ở mức thấp. Cụ thể hơn, tỷ lệ bác bỏ trị giá khai báo chỉ đạt từ 20-25% tổng lô hàng tham vấn, trong khi xu hướng khai báo trị giá hàng hoá thấp ngày càng gia tăng. Việc chỉ sử dụng nguồn thông tin do doanh nghiệp khai báo như hiện nay để kiểm tra trị giá khai báo, tham vấn và xác định trị giá của hàng hoá vô hình dung đã “hợp thức hoá” cho tình trạng gian lận thương mại vì các doanh nghiệp đều đồng loại khai báo trị giá giao dịch thấp để tìm đường trốn thuế.
Hiệp định trị giá GATT/WTO được triển khai áp dụng ở Việt Nam chưa lâu (năm 2004), do đó việc xây dựng, hoạch định chính sách còn thiếu kinh nghiệm và bị động. Tuy nhiên, những gì trong hoạt động thương mại đã, đang diễn ra, các ngành quản lý chức năng không thể đứng ngoài cuộc khi mong muốn tìm ra giải pháp hữu hiệu hạn chế ngăn chặn xa hướng gian lận thương mại qua giá gia tăng. Việc các doanh nghiệp ghi giảm giá trên hoá đơn để có thể thực hiện nhập hàng với số lượng lớn là một xu hướng hiển hiện. Bởi vậy, số thu thuế sẽ không giảm tương ứng với tỷ lệ gian lận giá so số lượng bù đắp phần khai thấp giá. Điều này sẽ dẫn đến sự nhận định sai lệch về tình hình gian lận trị giá khi thấy số thu không giảm nhiều.
Ngoài những phương thức thủ đoạn thông thường, như nhập máy móc cũ, kém chất lượng, không khai báo hoặc khai báo sai để gian lận qua giá, cơ quan hải quan còn phát hiện những thủ đoạn nghiêm trọng là giả mạo chứng từ để xoá cưỡng chế và lợi dụng chính sách trong việc ân hạn thuế nhập khẩu để chiếm đoạt tiền thuế, rồi bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh.
Theo ngành hải quan, điều trước tiên cần hoàn thiện môi trường pháp lý. Rõ hơn, trong luật quản lý thuế, cần thiết phải bổ sung thêm chế tài xử phạt quy nạp về hành vi gian lận thương mại qua giá. Tức là, chỉ cần phát hiện một lô hàng gian lận trị giá thì áp dụng cho tất cả lô hàng giống hệt, tương tự mà doanh nghiệp đó đã nhập khẩu trong vòng 5 năm tính đến ngày kiểm tra.

Cũng cần thiết phải xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận liên quan đến công tác chống gian lận thương mại qua giá. Sự phối hợp này trước đây hầu như chỉ mang tính xác định trách nhiệm liên quan chứ chưa gắn kết được quy định bằng văn bản pháp quy từ các khâu phát hiện đến xử lý tận gốc.

Quan trọng hơn, phải hoàn thiện phương pháp kiểm tra trị giá khai báo, tham vấn và xác định giá trị. Theo đó sẽ xây dựng bộ tiêu chí nòng cốt để phân loại, đánh giá mức độ rủi ro và tổ chức tham vẫn đối với các lô hàng nghi ngờ trị  giá khai báo. Đây cũng là một mắt xích cơ bản để phát hiện nghi phạm tiến tới xử lý đúng quy định, có tác dụng hạn chế, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại qua giá…

Chống gian lận thương mại qua giá rất cần những giải pháp hữu hiệu phù hợp với tình hình gian lận thương mại hiện nay và trở thành cấp thiết khi Việt Nam đang trên đà hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi vậy các cấp, ngành phải sớm hành động, trong đó vai trò chủ đạo, quyết định của ngành hải quan, tài chính, ngân hàng và các cơ quan kiểm soát.

Nguồn: Báo Công Thương Điện tử