Xuất khẩu số 1 vào Mỹ, Việt Nam được hưởng bao nhiêu?
05/03/2015 24(Thị trường) - Vượt qua nhiều đối thủ trong ASEAN, năm 2014 Việt Nam trở thành nước xuất khẩu số 1 vào thị trường Mỹ.
Theo số liệu thống kê của Việt Nam và Mỹ, năm 2014 kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ đạt 36,3 tỉ USD, trong đóng kim ngạch xuất khẩu đạt 30,6 tỉ USD, tăng 25%, nhập khẩu đạt 5,7 tỉ USD, tăng 13,6%.
Như vậy năm 2014 Việt Nam xuất siêu tại thị trường Mỹ 24,9 tỉ USD, mức xuất siêu cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó tờ Dân trí dẫn số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) đã dự báo năm 2014, Việt Nam có thể xuất khẩu vào Mỹ 29,4 tỷ USD.
AmCham cũng đưa ra nhận định tăng trưởng xuất khẩu 14 năm (2000 - 2014) của Việt Nam vào Mỹ ngày càng mạnh mẽ, gấp 36 lần từ mốc 800 triệu USD (năm 2000) đến 29,4 tỷ USD (năm 2014).
Hiện, dệt may đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ với giá trị kim ngạch cả năm đạt 10 tỷ USD, đóng góp 1/3 giá trị xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam sang Mỹ.
Hàng dệt may của Việt Nam cũng chiếm 9,26% thị trường dệt may của Mỹ. Cuối tháng 9/2014 theo thống kê mức tăng trưởng bình quân của dệt may Việt Nam vào Mỹ lên tới 14,85% trong khi tăng trưởng dệt may Trung Quốc vào Mỹ giảm -0,32%.
Con số này bước đầu có thể xem là tin vui cho ngành dệt may. Tuy nhiên nhìn lại số liệu về nhập khẩu cho ngành dệt may thì thực sự có nhiều điều cần suy nghĩ.
Hiện ngành công nghiệp dệt may Việt Nam bao gồm hơn 6.000 doanh nghiệp và hơn 2,7 triệu công nhân. Tuy nhiên, do tính chất công nghiệp gia công tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, ngành dệt may phụ thuộc máy móc cũng như nguyên phụ liệu gồm: bông, vải, xơ, sợi…nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2014, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành dệt may nước ta gồm: bông, xơ sợi, vải, các nguyên phụ liệu khác ước đạt 15,8 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2013.
Trong đó, nhập khẩu bông ước đạt 743 ngàn tấn, tăng 28% so với năm 2013, tổng giá trị ước đạt 1,4 tỷ USD.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng phân tích với Đất Việt rằng: Trong tương quan thị trường thì chúng ta vẫn phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc.
"Nhập khẩu đầu vào vẫn nặng nhất ở thị trường này. Số liệu xuất siêu với cả thế giới là 2 tỉ đô la Mỹ nhưng nhập siêu riêng với Trung Quốc là hơn 30 tỉ đô la Mỹ. Con số này cho thấy bao nhiêu cố gắng xuất siêu với thế giới lại đổ sang bù vào nhập siêu ở thị trường Trung Quốc", TS Trần Đình Thiên nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, khi Việt Nam tham gia TPP thì một trong những lợi ích lớn nhất là lợi ích của ngành dệt may có thể xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ với thuế suất bằng không. Như vậy khả năng tăng trưởng rất cao.
Lâu nay xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đi các nước phần nhiều vật liệu đầu vào phải mua từ Trung Quốc. Bây giờ nếu Việt Nam tiếp tục nhập khẩu từ Trung Quốc thì không được hưởng lợi ích thuế đó. Và nếu không được hưởng thì bản thân Trung Quốc cũng không bán được hàng nên thay vì bán từ Trung Quốc sang thì họ mang công nghệ, nhà máy sang dệt vải ở Việt Nam.
"Lợi ích sản phẩm dệt may mà Việt Nam bán sang Mỹ sau này có tăng lên thì trong đó phần của Trung Quốc vẫn lớn. Những điều này phần nào có thể lý giải làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc đổ vào Việt Nam", chuyên gia Phạm Chi Lan phân tích.
Nguồn: Báo Đất Việt
- Đàm phán cấp bộ trưởng về thuế đối ứng với Mỹ tại đảo Jeju, Việt Nam đạt kết quả bước đầu
- Việt Nam đề nghị tiếp cận nhập khẩu, chuyển giao hàng hóa công nghệ cao
- Doanh nghiệp dệt may cần hành động ra sao để hóa giải ‘bóng ma’ thuế quan cao?
- Nông sản Việt rộng đường chính ngạch vào Trung Quốc
- Mỹ - Trung 'đình chiến': Nhu cầu vận chuyển xuyên Thái Bình Dương tăng vọt