Trong những năm vừa qua, sản phẩm gỗ liên tục nằm trong nhóm 5 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với tổng kim ngạch tăng đều qua các năm, lên tới 5,7 tỷ USD năm 2013. Xuất khẩu gỗ của Việt Nam hiện đứng thứ nhất ở Đông Nam Á, thứ 2 tại châu Á và thâm nhập được nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU.

Ngoài vai trò quan trọng trong xuất khẩu đóng góp đáng kể vào tổng thu nhập quốc dân, ngành gỗ còn giúp giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn các lao động phổ thông, đặc biệt là lao động nhàn rỗi ở các vùng nông thôn, miền núi.

Tuy nhiên, cho đến nay ngành gỗ dường như vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ Chính phủ để khuyến khích phát triển ngành này xứng đáng với tiềm năng của nó. Các chính sách ưu đãi, nếu có, chủ yếu liên quan đến lâm nghiệp, hầu như không có ưu đãi riêng cho ngành chế biến gỗ. Mặc dù đây là ngành sản xuất đặc thù với nguyên liệu phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng, nhưng các chính sách pháp luật trong nước cần đồng bộ thì mới có thể thúc đẩy phát triển ngành này một cách toàn diện.

Trong khi đó, Việt Nam đang tham gia đàm phán rất nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) với nhiều nội dung có thể sẽ tác động mạnh đến ngành sản xuất, chế biến gỗ. Có thể nói, ngành gỗ đang đứng trước các cơ hội chưa từng có nhưng kèm theo đó là các thách thức không hề nhỏ từ việc mở cửa thị trường theo các FTA này.

Trước thực trạng đó, ngành gỗ Việt Nam dường như vẫn còn khá bị động và lúng túng trong việc đưa ra các đề xuất khuyến nghị lên Chính phủ đối với cả các chính sách trong nước lẫn các hiệp định thương mại quốc tế để có thể bảo vệ và tăng cường các lợi ích cho mình.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này được cho là ngành thiếu một định hướng phát triển về sản phẩm, thị trường cũng như năng lực sản xuất phù hợp với năng lực, nhu cầu của doanh nghiệp. Từ góc độ quản lý, tương tự như nhiều ngành kinh tế khác, ngành gỗ đã được Chính phủ xây dựng và thông qua các quy hoạch và chiến lược phát triển ngành gỗ. Tuy nhiên, đây hầu hết là các mục tiêu chủ quan từ góc độ quản lý Nhà nước, không có các biện pháp hỗ trợ thực hiện cụ thể và đặc biệt là không gắn trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì vậy, với sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (MUTRAP), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tiến nghiên cứu Báo cáo tổng thể Chiến lược phát triển ngành gỗvà tổ chức hội thảo công bố Báo cáo tại Hà Nội ngày 18/11/2014.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp, hiệp hội gỗ cũng như các đơn vị liên quan đã đánh giá cao nội dung Báo cáo trong việc xây dựng được một bức tranh toàn diện về thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành chế biến gỗ Việt Nam, cũng như xác định được các định hướng phát triển phù hợp của ngành này trong tương lai. Đây sẽ là cơ sở để ngành gỗ đưa ra các đề xuất chính sách lên Chính phủ nhằm phát triển hiệu quả và bền vững ngành sản xuất quan trọng này trong tương lai, đem lại các lợi ích thực sự cho các doanh nghiệp và người lao động trong ngành.

Báo cáo Chiến lược phát triển ngành gỗ là một trong những hoạt động nằm trong Kế hoạch tổng thể hỗ trợ các hiệp hội thực hiện nghiên cứu phát triển ngành của Trung tâm WTO-Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Mục tiêu của Kế hoạch này là nhằm giúp các hiệp hội ngành hàng thực hiện các nghiên cứu tổng thể về thực trạng và giải pháp phát triển của ngành mình, từ đó có các để xuất hợp lý lên Chính phủ trong việc xây dựng các chính sách liên quan đến ngành hoặc trong đàm phán các thoả thuận thương mại quốc tế.

--------------------------------------------------------------------------------

Nghiên cứu "Chiến lược phát triển ngành gỗ“ có thể download tại trang web www.trungtamwto.vn mục Ấn phẩm

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI