FTA Nhật Bản – Australia có hiệu lực
30/01/2015 48Ngày 15/01/2015, Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản – Australia (JAEPA) đã chính thức có hiệu lực, mở ra cơ hội thương mại lớn cho hai nền kinh tế lớn nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương này.
Sau 7 năm đàm phán, JAEPA đã được ký kết vào ngày 8/7/2014 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/1/2015. Hiệp định đã đạt được những cam kết mạnh về mở cửa thị trường hàng hóa và thúc đẩy đầu tư giữa hai nước. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Nhật Bản mở cửa đáng kể thị trường nông nghiệp vốn được bảo hộ vô cùng kỹ càng cho một đối tác xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu thế giới như Australia.
Cụ thể, các sản phẩm nông nghiệp chủ chốt của Australia như thịt bò, pho mát, rượu, các sản phẩm vườn sẽ được hưởng nhiều ưu đãi mở cửa thị trường theo JAEPA.
Thịt bò là sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Australia sang Nhật Bản, sẽ được giảm thuế từ mức hiện hành 38,5% xuống còn 19,5%.
Pho mát, sản phẩm sữa xuất khẩu nhiều nhất của Australia sang Nhật Bản sẽ được xóa bỏ thuế hoàn toàn. Đây là một trong những lợi thế đáng kể mà Australia đạt được từ JAEPA
Các sản phẩm vườn như hoa quả, rau, các loại hạt và các sản phẩm nông nghiệp đóng hộp như cà chua, đào, lê, nước rau và nước hoa quả cũng được dỡ bỏ thuế ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.
Ngoài những lợi thế quan trọng đạt được cho các sản phẩm nông nghiệp, Australia cũng giành thêm nhiều ưu đãi khi tiếp cận thị trường dịch vụ của Nhật Bản đặc biệt ở các lĩnh vực tài chính, giáo dục, truyền thông và dịch vụ pháp lý.
Đổi lại, Nhật Bản sẽ được tăng cường tiếp cận đối với một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nước này như ô tô, điện tử và thiết bị gia đình. Đặc biệt đối với ô tô, sản phẩm chiếm tới gần một nửa xuất khẩu của nước này, 75% các sản phẩm xe nguyên chiếc sẽ được xóa bỏ ngay mức thuế hiện hành 5%, số còn lại sẽ được loại bỏ thuế trong vòng 3 năm.
Ngoài ra, thông qua JAEPA, Australia cũng dành thêm nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư của Nhật Bản – nước đầu tư lớn thứ 3 tại Australia. Tuy nhiên, khác với FTA của Australia với Hàn Quốc (KAFTA) cũng vừa có hiệu lực tháng 12/2014, JAEPA không đưa vào cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước – nhà đầu tư (ISDS) gây nhiều tranh cãi.
Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Australia còn Australia là một trong 5 đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Quan hệ thương mại hai chiều trong năm 2013-2014 đạt 72,2 tỷ USD. Nhật Bản cũng đang có đầu tư lớn tại Australia với số vốn đầu tư tính đến cuối năm 2013 đạt 131 tỷ USD, còn Australia đầu tư sang Nhật khoảng 50,2 tỷ USD. Hiện tại hai nước này cũng đang là thành viên của đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước ven bờ Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI
- Đàm phán cấp bộ trưởng về thuế đối ứng với Mỹ tại đảo Jeju, Việt Nam đạt kết quả bước đầu
- Việt Nam đề nghị tiếp cận nhập khẩu, chuyển giao hàng hóa công nghệ cao
- Doanh nghiệp dệt may cần hành động ra sao để hóa giải ‘bóng ma’ thuế quan cao?
- Nông sản Việt rộng đường chính ngạch vào Trung Quốc
- Mỹ - Trung 'đình chiến': Nhu cầu vận chuyển xuyên Thái Bình Dương tăng vọt