Xuất khẩu gạo dự báo giảm ở tất cả thị trường
21/01/2015 11Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam ( VFA), về cơ bản năm 2015 được đánh giá là năm xuất khẩu gạo sẽ giảm ở tất cả các thị trường.
VFA vừa đưa ra kế hoạch xuất khẩu gạo trong năm 2015. Theo đó, trong quý I/2015 các DN trong nước dự kiến xuất khoảng 900 ngàn tấn gạo đi các thị trường; trong cả năm có thể sẽ xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, cao hơn 700 ngàn tấn so với mức 6,31 triệu tấn đã đạt được trong năm 2014.
Tuy nhiên, cũng theo VFA, về cơ bản năm 2015 được đánh giá là năm xuất khẩu gạo sẽ giảm ở tất cả các thị trường. Trong đó, Trung Quốc là thị trường được dự báo giảm mạnh nhất bởi Chính phủ nước này vừa có chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch.
Thêm vào đó, mặc dù nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc được dự báo tăng thêm khoảng 300 ngàn tấn nhưng Chính phủ nước này cũng vừa ký thỏa thuận mua 2 triệu tấn gạo của Thái Lan để đổi lấy chương trình xây dựng hệ thống đường sắt từ Đông Bắc đến cảng phía Nam của Thái Lan.
Tại thị trường châu Phi, VFA nhận định năm nay lượng gạo của Việt Nam bán vào các nước khu vực này cũng sẽ giảm khoảng 60%, tương đương mức giảm của năm 2014. Nguyên nhân chính là do thị trường này tiêu thụ mạnh các loại gạo chất lượng thấp mà các sản phẩm loại này thì các DN Việt Nam không thể cạnh tranh về giá với các DN của Thái Lan và Ấn Độ, bởi lượng tồn kho gạo cấp thấp của hai cường quốc xuất khẩu gạo này đang rất lớn và có kế hoạch bán ra hàng chục triệu tấn trong năm 2015.
Đối với các thị trường còn lại, VFA cho rằng, trong năm 2015, Philippines sẽ có nhu cầu nhập khoảng 1,7 triệu tấn, Malaysia 1,1 triệu tấn, Indonesia 1,3 triệu tấn. Tuy nhiên các DN Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với các nguồn gạo từ Thái Lan, nếu không tận dụng được yếu tố thị trường gần để giảm giá bán thì mục tiêu xuất 2,1 triệu tấn gạo vào khu vực này tương đương năm 2014 khó có thể thực hiện được.
Như vậy, trong năm 2015, yếu tố then chốt nổi lên trong hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam là sự sụt giảm mạnh từ thị trường Trung Quốc. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy đến hết 2014, lượng gạo xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đạt khoảng hơn 2 triệu tấn.
VFA cũng thừa nhận rằng trong năm 2014 đã có khoảng 2 triệu tấn gạo khác được các DN vận chuyển từ đồng bằng sông Cửu Long ra cảng Hải Phòng để xuất khẩu tiểu ngạch vào Trung Quốc. Vì thế, năm 2014 lượng gạo thực tế xuất sang Trung Quốc đạt mức ít nhất trên 3 triệu tấn, chiếm một nửa sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, trong đó chủ yếu là loại gạo trắng 15% tấm.
Với sự hạn chế nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc như phân tích ở trên, rõ ràng trong năm nay các DN xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ rất khó khăn mới có thể tiêu thụ hết 8 triệu tấn gạo hàng hóa trong dân, dự kiến sẽ thu hoạch và chế biến được trong 3 mùa vụ chính. Và rất có thể ngay trong vụ Đông Xuân 2014-2015, các DN sẽ lại tiếp tục kiến nghị thực hiện chương trình mua tạm trữ lúa gạo để ngăn chặn đà giảm của thị trường lúa gạo trong nước khi vào vụ.
Nguồn: Thời báo Ngân hàng
- Đàm phán cấp bộ trưởng về thuế đối ứng với Mỹ tại đảo Jeju, Việt Nam đạt kết quả bước đầu
- Việt Nam đề nghị tiếp cận nhập khẩu, chuyển giao hàng hóa công nghệ cao
- Doanh nghiệp dệt may cần hành động ra sao để hóa giải ‘bóng ma’ thuế quan cao?
- Nông sản Việt rộng đường chính ngạch vào Trung Quốc
- Mỹ - Trung 'đình chiến': Nhu cầu vận chuyển xuyên Thái Bình Dương tăng vọt