Ngày 22/1, phát biểu tại phiên thảo luận chính của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2015 ở Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình đàm phán hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2015.
Theo bà Merkel, EU cần các hiệp định thương mại tự do mới, không chỉ với Mỹ mà cả với Canada hay Nhật Bản, và đang là thời cơ “có một không hai“ mà EU cần tận dụng để mở rộng và thúc đẩy các cơ hội tăng trưởng kinh tế thông qua cắt giảm các rào cản của trao đổi thương mại xuyên lục địa.
Nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng cho rằng, TTIP sẽ giúp thương mại thế giới hướng tới các tiêu chuẩn cao hơn bởi Mỹ và châu Âu là những khu vực có tiêu chuẩn rất cao về bảo vệ người tiêu dùng và môi trường.
Cùng ngày, Nghị viện châu Âu (EP) đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan đại diện cho EU đàm phán với Mỹ về TTIP, cần minh bạch hơn trong trong quá trình đàm phán.
Theo Chủ tịch Ủy ban Thương mại EP Bernd Lange, EP cần sử dụng ảnh hưởng của mình trong quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý của TTIP để đảm bảo rằng hiệp định này đem lại lợi ích cho tất cả người dân EU.
TTIP bắt đầu được đàm phán từ tháng 7/2013. Những người ủng hộ ở hai bờ Đại Tây Dương hy vọng thỏa thuận thương mại này sẽ tạo động lực cho tăng trưởng ở cả hai khu vực, thông qua cắt giảm thuế và các rào cản thương mạn. Tuy nhiên, cho đến nay quá trình đàm phán hiệp định đang bế tắc do các bất đồng xoay quanh những quy định về bảo hộ đầu tư. Các nhà lãnh đạo châu Âu kỳ vọng sẽ kết thúc quá trình đàm phán với Mỹ vào cuối năm 2015./.
Nguồn: TTXVN
- Khảo sát nhanh (2'): Yêu cầu thẩm định chuỗi cung ứng của một số thị trường EU đối với hàng xuất khẩu Việt Nam
- Ông Trump sẽ gửi đợt thư thông báo thuế đầu tiên cho các nước vào tối nay
- Mỹ hé lộ sẽ 'ưu ái' các nước đàm phán thuế quan nghiêm túc
- Thuế quan Mỹ: Cửa đàm phán khép dần từ 9/7, ‘mưa thuế’ bắt đầu 1/8
- Xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ suy giảm mạnh trong tháng 6/2025