Công Thương- Với những nỗ lực của doanh nghiệp, sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, giao thương Việt Nam - Hàn Quốc năm 2014 tiếp tục cho thấy những bước tăng trưởng tích cực. Khi đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) kết thúc tháng 12/2014, các chuyên gia nhận định đây là điểm khởi đầu cho tiến trình mới của hợp tác kinh tế Việt – Hàn.

Gia tăng xuất khẩu, đầu tư

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2014 giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc ước đạt 7,14 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm 2013. Nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hàn Quốc đạt 28,84 tỷ USD.

Những nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt kim ngạch lớn trong năm 2014 gồm: sản phẩm dệt may; gỗ và sản phẩm; giày dép; thủy sản; cao su; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện...

Dệt may là nhóm hàng đạt kim ngạch cao nhất với 2,09 tỷ USD, tăng 27,5% so với năm ngoái, chiếm 29,3% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đứng thứ hai là nhóm hàng thủy sản với trị giá đạt 651,93 triệu USD, tăng 27,4%, chiếm 9,1%. Tiếp đến nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ với 491,42 triệu USD, tăng 49,5%, chiếm 6,9%. Đáng lưu ý, năm 2014, Việt Nam mở rộng thêm một số nhóm hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc như: vải mành, vải kỹ thuật khác; thức ăn gia súc và nguyên liệu; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận với kim ngạch đạt khá cao.

Về đầu tư, tính đến hết năm 2014 Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 36,71 tỷ USD và 4.063 dự án đầu tư còn hiệu lực. Các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sử dụng trên 50 vạn lao động và đóng góp trên 25% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam năm 2013.

Theo Cục đầu tư nước ngoài, hiện nay, khoảng 95% các dự án đầu tư của Hàn Quốc được thực hiện bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp nhẹ như ngành may mặc, sản xuất giày, dép… Trong khi đó, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc tuy chỉ chiếm khoảng 5% số dự án nhưng đạt hơn 70% tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam và tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; xây dựng, dịch vụ…

Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 24 dự án đã đầu tư sang Hàn Quốc với quy mô khiêm tốn, tổng số vốn đầu tư là 10,48 triệu USD, đứng thứ 31/63 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Các dự án đều có quy mô nhỏ, chủ yếu trên lĩnh vực dịch vụ, thương mại

Tận dụng cơ hội từ VKFTA

Trung tuần tháng 12/2014, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam -  Hàn Quốc đón tín vui cho những ngày đầu năm khi đoàn đàm phán hai nước tuyên bố kết thúc đàm phán hiệp định VKFTA sau 8 phiên họp chính thức và nhiều phiên hợp giữa kỳ.

Theo hiệp định này, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc được mở rộng hơn nhiều khi phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, thuận lợi xuất khẩu với các mặt hàng thủy sản, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt, may, sản phẩm cơ khí. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng cam kết dành thêm cơ hội thị trường cho các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư của Việt Nam và nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế, dành hỗ trợ kỹ thuật toàn diện trong nhiều lĩnh vực.

Hàn Quốc cũng mở cửa thị trường cho những sản phẩm nhạy cảm cao như tỏi, gừng, mật ong, tôm, tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực.

Ông C.W.Lee, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn CJ cho biết, CJ đang nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam trị giá khoảng 21 triệu USD. Khi VKFTA có hiệu lực, Tập đoàn CJ sẽ có cơ hội nhập khẩu nhiều hơn từ Việt Nam do các sản phẩm này có giá cạnh tranh hơn hẳn. Trong khi đó, lãnh đạo Tập đoàn Lotte bày tỏ rằng họ đang nhập khẩu một số hàng hóa Việt Nam, khi VKFTA có hiệu lực, chắc chắn lượng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam sẽ tăng mạnh.

Đại diện Tập đoàn Doosan đánh giá, với VKFTA, tập đoàn sẽ có nhiều cơ hội trong việc mở rộng đầu tư, làm ăn, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm máy móc, thiết bị tại Việt Nam.

Bên cạnh các lợi ích xuất khẩu quan trọng, Hiệp định VKFTA dự kiến cũng sẽ tạo điều kiện nâng cao hiệu quả nhập khẩu, nhất là các nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày, dép, điện tử, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nguồn khác. Qua đó hỗ trợ cải cách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng xuất khẩu các nhóm hàng giá trị gia tăng cao.

Các cam kết về dịch vụ, đầu tư, môi trường chính sách minh bạch, thông thoáng, khuyến khích cạnh tranh bình đẳng, phù hợp với quy định quốc tế của Hiệp định được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường thu hút đầu tư từ Hàn Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế tạo.

Theo các chuyên gia, từ năm 2015, VKFTA sẽ tác động tích cực tới hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc và chắc chắn mục tiêu kim ngạch song phương đạt 70 tỷ USD năm 2020 hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, góp phần thúc đẩy toàn diện quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới./.

Nguồn: Báo Công Thương