Kinh tế thế giới “hạ nhiệt” Việt Nam vẫn tăng trưởng
17/01/2015 14Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (GEP) được công bố ngày 14/1, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, dù kinh tế toàn cầu năm 2015 có chiều hướng cải thiện, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ thấp hơn so với dự báo đưa ra trước đó. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo sẽ cải thiện hơn trong 2 năm tới.
Theo đó, trong báo cáo GEP công bố hồi tháng 6/2014, dự báo kinh tế toàn cầu năm 2015 sẽ tăng trưởng 3%, cao hơn so với mức ước tính 2,6% của năm 2014, nhưng thấp hơn so với mức dự báo 3,4% đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, đằng sau sự phục hồi kinh tế mong manh này là các xu hướng trái chiều ngày càng mạnh, ảnh hưởng sâu sắc đến tăng trưởng toàn cầu. Các hoạt động ở Mỹ và Anh đang có đà đi lên khi thị trường lao động đang hồi phục và có chính sách tiền tệ phù hợp. Nhưng ở châu Âu và Nhật Bản, việc phục hồi kinh tế vẫn chưa tạo được ấn tượng rõ rệt khi tàn dư của cuộc khủng hoảng tài chính- kinh tế vẫn còn dai dẳng.
Chuyên gia kinh tế hàng đầu của WB - ông Kaushik Basua - cho rằng, kinh tế toàn cầu đang ở thời điểm đáng lo ngại. Báo cáo cho biết nguyên nhân giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu là vì viễn cảnh kinh tế khu vực đồng Euro và kinh tế Nhật Bản không mấy khả quan. Dòng chảy thương mại vẫn không hoạt động hiệu quả. Thêm vào đó là mức độ ảnh hưởng của việc giá dầu giảm đến nguồn thu của các nước sản xuất dầu mỏ.
Trong khi đó, tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của kinh tế sẽ cải thiện hơn trong 2 năm tới, dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,6% năm nay, đạt 5,8% năm 2016 và 6% năm 2017. Theo WB, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn những năm tới chủ yếu nhờ các cải cách về chính trị- kinh tế gần đây và dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng mạnh.
WB lưu ý, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam ngày càng bền vững hơn, nhưng bảng cân đối tài chính của lĩnh vực ngân hàng vẫn cần phải được củng cố để tăng khả năng tiếp cận với nguồn tín dụng. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần thực hiện cải cách hệ thống quy định nhằm tạo sân chơi bình đẳng hơn giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
WB cũng dự báo, tăng trưởng của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ giảm từ mức ước tính 6,9% của năm 2014 xuống 6,7% trong năm 2015 và sẽ tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ này trong 2 năm tiếp theo.
Nguồn: Báo Công Thương
- Đàm phán cấp bộ trưởng về thuế đối ứng với Mỹ tại đảo Jeju, Việt Nam đạt kết quả bước đầu
- Việt Nam đề nghị tiếp cận nhập khẩu, chuyển giao hàng hóa công nghệ cao
- Doanh nghiệp dệt may cần hành động ra sao để hóa giải ‘bóng ma’ thuế quan cao?
- Nông sản Việt rộng đường chính ngạch vào Trung Quốc
- Mỹ - Trung 'đình chiến': Nhu cầu vận chuyển xuyên Thái Bình Dương tăng vọt