“Đối thoại Công – Tư về xác định và tháo gỡ các rào cản, nhằm cải thiện đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong khu vực APEC” được Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức trong hai ngày 15 và 16/1 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Đối thoại đã thu hút sự tham gia của đông đảo học giả, các nhà hoạch định chính sách, các DN và tổ chức, hiệp hội DN trong và ngoài khu vực APEC cũng như ở Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương Việt Nam) khẳng định, việc đầu tư để xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, thuận tiện và hữu ích nhằm phục vụ cho cuộc sống của người dân, đóng góp cho thịnh vượng chung của khu vực, là yếu tố mang tính quyết định của mỗi quốc gia. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng còn mang ý nghĩa sống còn cho sự phát triển kinh tế, thương mại, tăng trưởng GDP và thu hút FDI của các nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, các quốc gia nào có hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, lạc hậu và không đồng bộ đều rất khó thu hút FDI, cũng như gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Cơ sở hạ tầng ở đây được hiểu, bao gồm cả khía cạnh cứng và mềm, được ví như xương sống của nền kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh, giúp nền kinh tế phát triển nhanh, mạnh, bền vững cũng như giúp các quốc gia phát triển toàn diện hơn, nhằm tiến tới xây dựng một khu vực hoàn toàn gắn kết trên mọi bình diện. Tại đối thoại, đại diện các nền kinh tế thành viên APEC đã trao đổi cởi mở về việc làm thế nào để thu hút đầu tư, cải thiện cơ sở pháp lý, đặc biệt là khu vực tư nhân tham gia đầu tư dưới hình thức PPP… vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Nghiên cứu của ADB chỉ ra rằng, dự tính trong giai đoạn 2010-2020, khu vực châu Á sẽ cần khoảng 8000 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhằm duy trì được mức tăng trưởng kinh tế hiện tại.  Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, mỗi USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng sẽ tạo ra khoảng 0,05-0,25USD, tương đương với mức tăng trưởng từ 5-25%. Các Bộ trưởng Tài chính APEC mới đây cũng đưa ra dự đoán về nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong các nước thành viên APEC sẽ lên đến 750 tỷ USD/năm.

Tại Việt Nam, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó phòng PPP, Bộ Kế hoạch và đầu tư: Hàng năm Việt Nam cần tới 40 tỷ USD đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng nhưng thực tế hiện mới chỉ đáp ứng được 8 tỷ USD, như vậy Việt Nam đang thiếu hụt một khoản rất lớn cho vấn đề này.

Chia sẻ của đại diện Chile, bà Cristina Holuigue Miranda về thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng nhận được sự quan tâm của các nước. Là một đất nước nhỏ bé nhưng Chile được các nước thành viên đánh giá cao bởi Chile không phân biệt các nhà đầu tư là DN trong nước hay nước ngoài, họ được đối xử bình đẳng như nhau. 80% các dự án PPP tại Chile thuộc về nhà đầu tư nước ngoài.

“Chúng tôi duy trì một môi trường cạnh tranh lành mạnh với các nhà đầu tư và chính vì điểm này đã khiến họ xem Chile như là một điểm đến hấp dẫn. Tuy vậy, nếu muốn đầu tư vào Chile họ phải tìm hiểu về nó, hoặc chọn hình thức liên doanh với một công ty trong nước. Vì thế mà các DN trong nước cùng phát triển, lớn mạnh và có thể đứng vững một mình. Chile như các bạn thấy hôm nay, đang xếp thứ 34/148 nền kinh tế có sự cạnh tranh cao” – Bà Cristina cho biết.

Đại diện của Thailand lại cho thấy một hình thức hợp tác PPP rất linh hoạt: Phần đa đường giao thông, cao tốc ở Thái Lan đều được đầu tư và khai thác theo hình thức PPP, Nhà nước sẽ bỏ chi phí đầu tư ban đầu, sau đó khu vực tư nhân sẽ tham gia vận hành, khai thác và thu phí. Tư nhân sẽ giữ lại lợi nhuận và chuyển vốn lại cho Nhà nước. Hợp tác này đã diễn ra 10 năm.

Mehico lại cho thấy họ chưa có văn phòng riêng phụ trách PPP nhưng Luật lại quy định rất rõ, rằng bất kỳ dự án PPP nào cũng phải ký một hợp đồng trong khuôn khổ dài hạn và các dự án PPP phải có thỏa thuận hướng tới lợi ích tốt nhất cho người sử dụng cuối cùng. Việc sử dụng hạ tầng toàn phần hay một phần thì cũng đều phải hướng tới sản phẩm hoặc dịch vụ tốt nhất cho người dân một cách minh bạch. Mehico có cơ quan đảm bảo tính minh bạch như vậy.

Đối thoại là hoạt động rất thiết thực, mang lại giá trị thông tin cao, tạo cơ hội cho các nước APEC chia sẻ về thực tại, kinh nghiệm để phát triển cơ sở hạ tầng, kể cả việc thu hút đầu tư trực tiếp hay thay đổi thể chế, chính sách để trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư./.

Nguồn: Báo Công Thương