BizLIVE - Đại diện Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc vừa ký Biên bản thoả thuận về kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc. 

Cùng điểm lại một vài nét chính trong quan hệ thương mại, đầu tư hai nước trước khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc được ký kết chính thức vào đầu năm 2015:

Việt Nam đang nhập siêu từ Hàn Quốc

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết: 11 tháng tính đầu năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hàn Quốc đạt 26,19 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2013 và là mức tăng thấp nhất ghi nhận trong các năm gần đây.

Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang thị trưởng Hàn Quốc 6,53 tỷ USD tăng 7,06% so với cùng kỳ năm trước, còn nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ quốc gia Đông Bắc Á này đạt 19,65 tỷ USD, tăng 3,4%.

Theo nhận định của cơ quan thống kê, đây là mức tăng nhập khẩu thấp nhất so với cùng kỳ những năm trước mà nguyên nhân chủ yếu là do sự suy giảm trong nhập khẩu các mặt hàng chủ lực như: máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện...

Với kết quả đạt được trên, cán cân thương mại hàng hóa giữa hai nước trong 11 tháng 2014 tiếp tục mất cân bằng với mức thâm hụt 13,1 tỷ USD nghiêng về phía Việt Nam. So với tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2014, mức thâm hụt này cao gấp 2 lần.

Thống kê về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại Việt Nam  - Hàn Quốc 11 tháng 2014 so với 11 tháng 2013. Nguồn: Tổng cục Hải quan 

Trong 11 tháng 2014, Hàn Quốc là quốc gia xếp thứ 3 trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ xuất nhập khẩu với Việt Nam trên toàn thế giới nói chung và xếp thứ 3 trong các quốc gia ở châu Á nói riêng.

Với các hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất nhập khẩu với quốc gia ở Đông Bắc Á này.

Số lượng các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu với Hàn Quốc tính đến hết tháng 11 năm 2014 là 13,1 nghìn doanh nghiệp, trong khi đó trong năm 2013, con số này là 10,9 nghìn doanh nghiệp.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm mặt hàng được các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2014 với trị giá đạt 4,63 tỷ USD, giảm nhẹ 2,12% so với cùng kỳ của 1 năm trước đó và chiếm 23,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2014.

Bên cạnh đó, các nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, vải các loại, điện thoại các loại và linh kiện... là một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam khá cao, chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam của các mặt hàng có xuất xứ từ Hàn Quốc trong 11 tháng 2014.

Trong 11 tháng từ đầu năm 2014, Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ quan trọng đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: hàng dệt may (đạt 1,96 tỷ USD, tăng mạnh 30% so với cùng kỳ năm 2013); hàng thủy sản (đạt 599 triệu USD, tăng 33,8%); gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 448 triệu USD, tăng mạnh 51,8% so với cùng kỳ năm 2013)...

Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến nay, Hàn Quốc là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam cả về quy mô với tổng vốn đầu tư và số dự án với tổng vốn đăng ký đạt 36,71 tỷ USD và 4.063 dự án đầu tư còn hiệu lực.

Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sử dụng trên 50 vạn lao động và đống góp trên 25% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam năm 2013.

Việt Nam là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ 3 của Hàn Quốc sau Mỹ, Trung Quốc (với 3.112 dự án; 18.1 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký và 10,7 tỷ USD vốn giải ngân lũy kế theo thống kê của Ngân hàng Korea Eximbank).

Theo Cục đầu tư nước ngoài, hiện nay, khoảng 95% các dự án đầu tư của Hàn Quốc được thực hiện bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (quy mô dưới 500 người, doanh thu dưới 150 triệu USD) chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp nhẹ như ngành may mặc, sản xuất giày, dép ...

Tuy nhiên, thời gian gần đây đã bắt đầu có sự chuyển biến về chất khi xuất nhiều khối doanh nghiệp vệ tinh cho các công ty đa quốc gia Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ điện tử ...

Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc tuy chỉ chiếm khoảng 5% số dự án nhưng đạt hơn 70% tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam và tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; xây dựng, dịch vụ...

Nếu xét theo ngành, Hàn Quốc đã đầu tư vào 18 lĩnh vực, trong đó đứng đầu là công nghiệp chế biến, chế tạo (2.471 dự án, tổng vốn đầu tư 23,649 tỷ USD, chiếm 60,81% tổng vốn đầu tư đăng ký và 63,93% số dự án).

Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản (80 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 6,98 tỷ USD, chiếm 19,69 %  tổng vốn đầu tư đăng ký và chỉ 1,9% số dự án). Đứng thứ 3 là xây dựng (555 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,395 tỷ USD chiếm 13,66% tổng vốn đăng ký và 6,52 % số dự án).

Từ năm 2009, FDI Hàn Quốc vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng mạnh, từ mức 60% giai đoạn trước lên mức trên 80%. Ngoài ra, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử, công nghiệp, công nghệ cao chiếm ưu thế so với các dự án công nghiệp nhẹ, thâm dụng lao động trước đây.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 24 dự án đã đầu tư sang Hàn Quốc với quy mô khiêm tốn, với tổng số vốn đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam là 10,48 triệu USD, đứng thứ 31/63 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam.

Các dự án đều có quy mô nhỏ chủ yếu trên lĩnh vực dịch vụ, thương mại (trung bình mỗi dự án có quy mô 436.666 USD).

Từ khi hai nước ký Hiệp định Thương mại, quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển mạnh, từ 500 triệu USD năm 1992 lên 2,1 tỷ năm 2000 và năm 2013 đạt 27,3 tỷ USD. Hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 70 tỷ USD vào năm 2020, dự kiến sẽ chiếm 30% tổng kim ngạch thương mại Asean - Hàn Quốc (200 tỷ USD).

Mặc dù quan hệ thương mại giữa hai nước mang tính bổ trợ, ít có các mặt hàng cạnh tranh trực tiếp, tuy nhiên, trong những năm qua, Hàn Quốc là một trong những đối tác mà Việt Nam có thâm hụt thương mại cao nhất (năm 2013 là 14,067 tỷ USD) do Việt Nam phải nhập khẩu máy móc thiết bị, tư liệu sản xuất.

Thời gian tới, vấn đề này sẽ khó giải quyết một cách căn bản do nền công nghiệp sản xuất Việt Nam còn tương đối yếu kém và nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục có xu hướng mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Nguồn: Biz Live