Làm gì để doanh nghiệp tận dụng được cơ hội xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc khi khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc chính thức có hiệu lực vào năm 2010?

“Hiện nay hàng Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 0,48% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc. Chính vì vậy có thể khẳng định rằng, dung lượng thị trường Trung Quốc còn rất lớn, cơ hội cho hàng Việt Nam còn rất nhiều” – ông Đào Trần Nhân, vụ trưởng Vụ Châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) nhận định.

Từ tiềm năng rộng mở...

Theo ông Đào Trần Nhân, trong thời gian tới, các nhà đầu tư nước ngoài và cả các nhà đầu tư của Trung Quốc có xu hướng chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam để sản xuất hàng và tái xuất trở lại thị trường Trung Quốc. Và đây sẽ là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam liên doanh liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài để xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này.

Về các sản phẩm xuất khẩu, theo ông Lê Xuân Dương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, trong 3 nhóm hàng xuất khẩu chính sang Trung Quốc (nguyên, nhiên liệu và khoáng sản; nông sản, thủy sản; công nghiệp) thì nhóm hàng thứ 3 được coi là động lực tăng trưởng chính cho xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai.

… đến sự chủ động của doanh nghiệp


“Năm 2015, Việt Nam mới phải thực hiện cam kết cắt giảm thuế của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc. Chính vì vậy mà trong khoảng thời gian 5 năm tới, doanh nghiệp Việt Nam cần tranh thủ tận dụng cơ hội để hưởng mức thuế nhập khẩu từ 0 – 5%”, ông Nhân nhấn mạnh.

Đại diện Vụ chính sách thương mại Đa biên, ông Nguyễn Hồng Thanh khuyến nghị, các doanh nghiệp cần phải tham khảo biểu thuế của Trung Quốc. Các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý đến “nhân tố Trung Quốc” và thiết kế thương hiệu riêng cho sản phẩm bán vào thị trường này. Trước mắt, các doanh nghiệp nên tập trung đầu tư sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng mà thị trường Trung Quốc có nhu cầu và Việt Nam có thế mạnh như thủy hải sản, nông sản, đồ gia dụng, các sản phẩm công nghệ… Về lâu dài, doanh nghiệp cần nghiên cứu và tìm cách xuất khẩu sang Trung Quốc những sản phẩm chế biến, chế tạo thiết bị, các sản phẩm công nghệ thông tin, dịch vụ tư vấn hàm lượng chất xám cao. “Việc kết hợp hoặc liên doanh bán hàng với các hệ thống siêu thị bán lẻ tại Trung Quốc, hoặc mua quyền phân phối các sản phẩm nổi tiếng của nước ngoài sẽ cho hiệu quả kinh doanh rất lớn. Và đặc biệt, trong hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, việc xây dựng mối quan hệ cá nhân là rất quan trọng”, ông Thanh lưu ý.

Một thực tế cho thấy, có rất nhiều doanh nghiệp trong khi chuẩn bị xuất khẩu sang Trung Quốc đã chủ động trở thành viên của các cổng thông tin thị trường tại Trung Quốc và các nước ASEAN như Alibaba, HKTDC, Tradeinchina…và đã nhận được rất nhiều thông tin hữu ích.

Và sự hậu thuẫn từ nhà nước

Ông Đào Trần Nhân cho biết, phía Bộ Công Thương sẽ xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thiết thực về vốn, cơ sở hạ tầng, kho bãi, dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng tại các tỉnh biên giới và bên kia biên giới; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cấp nhà nước... Trong năm 2010, Bộ Công Thương đã phê duyệt đợt 1 gồm 27 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí lên đến 74,06 tỷ đồng để quảng bá hàng hóa cho các doanh nghiệp tới các tỉnh của Trung Quốc và một số khu vực khác.

Ông Nhân cho biết thêm, Vụ Châu Á Thái Bình Dương đã xây dựng đề án giảm nhập siêu từ thị trường Trung Quốc, trong đó có nêu rõ các biện pháp đối với thị trường Trung Quốc từ góc độ của từng Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cả những mặt hàng cụ thể. Vừa qua Bộ Công Thương đã chính thức trao cho phía Trung Quốc danh sách 16 mặt hàng Việt Nam có khả năng xuất khẩu sang Trung Quốc (như nông lâm, thủy sản, trái cây…) để đề nghị nước này hỗ trợ cho các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường nhập khẩu. Phía Trung Quốc cũng đã nhất trí tạo ra sự thông thoáng trong chính sách để tạo điều kiện cho hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường này thuận lợi và dễ dàng hơn.

Nguồn: InfoTV