Theo kế hoạch, Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam tại Nga chính thức đi vào hoạt động vào năm 2011. Đây sẽ là cú huých quan trọng trong việc đưa hàng hóa của Việt Nam tiếp cận với thị trường này.

Theo Vụ Thị trường châu Âu - Bộ Công Thương, khi Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam tại Nga đi vào hoạt động sẽ đóng vai trò vừa là khu công nghiệp, vừa là kho ngoại quan. Nhờ đó, hàng hóa của Việt Nam sẽ được xuất khẩu trực tiếp sang Trung tâm, được chế biến, đóng gói rồi phân phối tới các kênh tiêu thụ của thị trường Nga. Đây được xem là thông tin tốt cho các nhà xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam vào thị trường Nga.

Khi cán cân bị nghiêng

Những năm gần đây, quan hệ thương mại Việt Nam- Nga phát triển theo hướng tích cực, tình hình xuất nhập khẩu dần được cải thiện cả về cơ cấu, danh mục và trị giá hàng hóa. Năm 2008, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga đạt 1.641 triệu USD, tăng 62,4% so với năm 2007, riêng xuất khẩu thủy sản đạt 200 triệu USD, bằng gần 20% xuất khẩu vào thị trường EU. Tuy nhiên, trong quan hệ thương mại, chiều hướng nghiêng về phía Nga ngày càng rõ nét. Năm 2008, Việt Nam xuất sang Nga các sản phẩm dệt may, giày dép, thuỷ hải sản... thu về 671,9 triệu USD, tăng 46,4% so với năm 2007. Nhưng Việt Nam cũng phải nhập khẩu từ Nga những mặt hàng thiết yếu như dầu mỏ, sắt thép và phân bón, kim ngạch lên tới 969,6 triệu USD, tăng 75,5% so với năm trước. 

Năm 2008, Việt Nam có 11 dự án đầu tư sang Nga với số vốn trên 34 triệu USD, chủ yếu vào lĩnh vực chế biến thực phẩm, may mặc, giày dép và sản xuất đồ gỗ. Việt Nam luôn tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên doanh sản xuất, chuyển giao công nghệ các lĩnh vực công nghiệp mà Nga có thế mạnh như khai thác mỏ, chế tạo thiết bị năng lượng; luyện kim... Nhưng trên thực tế, hợp tác Việt - Nga về cơ bản vẫn là kế thừa những định hướng, hình thức từ thời Liên Xô cũ, đến nay, chưa xây dựng được dự án nào mới có tầm cỡ quốc gia. Trong quan hệ thương mại, mới chỉ có các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nga đầu tư vào Việt Nam. Với khả năng kinh tế có hạn, việc dè chừng rủi ro quá mức, các doanh nghiệp của Nga đã để mất nhiều cơ hội, ngay cả với những dự án mà Nga có thế mạnh.

Năm 2009, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm giữa Việt Nam-Nga chỉ đạt 820 triệu USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2008. Mức giảm trên được xác định một phần do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Nhưng nhớ lại, đây cũng là năm “sóng gió” của thủy sản Việt Nam tại thị trường Nga, bởi cuối năm 2008, Nga đã đóng cửa thị trường đối với thủy sản Việt Nam.

Giải pháp cân bằng

Nga là thị trường truyền thống, sức mua mạnh song có nhiều đặc tính. Nga cũng là thị trường thường áp dụng rào cản kỹ thuật (thuế quan, phi thuế quan) để duy trì chính sách bảo hộ sản xuất trong nước. Những bất cập trong thủ tục hành chính, trong đó có cả thủ tục hải quan, cửa khẩu khiến nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam đã e ngại khi quan hệ với thị trường này. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), sự bất ổn của thị trường Nga ở góc độ nào đó là “cảnh báo” về chất lượng sản phẩm thủy sản Việt Nam, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trong cộng đồng các doanh nghiệp xuất khẩu và cả những tác động tiêu cực của không ít doanh nghiệp thương mại. Vì vậy, có thể nói, những khó khăn này là cơ hội giúp Việt Nam tổ chức lại xuất khẩu.

Liên bang Nga gồm 83 bang với 150 triệu dân được xác định là thị trường trọng điểm tiêu thụ thủy sản Việt Nam. “Sau thời gian đàm phán, tháng 5/2009, Nga đã mở cửa trở lại nhưng yêu cầu phải có sự quản lý, điều hành từ Việt Nam để quản lý chất lượng đồng thời ổn định xuất khẩu lâu dài”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương cho biết. Chỉ trong 7 tháng cuối năm 2009, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào Nga vẫn tăng từ 5% đến 7% so với năm 2008, đạt giá trị hơn 70 triệu USD.

Quan hệ giữa hai nhà nước Việt-Nga, về cơ bản đã thay đổi. Đặc biệt, kết quả cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nga vào tối 15/12/2009, đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Việt Nam và Nga sẽ nghiên cứu, chuẩn bị đàm phán một hiệp định thương mại song phương. Để nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD trong vài năm tới, Thủ tướng Nga đã hứa tạo điều kiện thuận lợi để hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này và cả Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).

Thị trường Nga đã mở song cũng ngày càng trở nên kỹ tính hơn. Theo VASEP, để tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Nga, các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu phải đáp ứng điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong cả chuỗi sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm theo quy định của Cơ quan thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm của Nga. Ngoài ra, đặc biệt phải chú trọng vào chất lượng sản phẩm, kiểm soát đầu vào, giảm tỷ lệ mạ băng (đá ở trong cá) từ 30% xuống còn 15%... Các doanh nghiệp còn trích 1 cent/kg cá xuất khẩu để tiến hành công tác truyền thông.

Nguồn: Báo Điện tử Công Thương