Với thị phần chỉ chiếm khoảng 20% thị trường, kênh bán lẻ hiện đại với sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Chấp nhận cạnh tranh là chuyện không phải bàn cãi, nhưng mở cửa thị trường đến đâu và cạnh tranh như thế nào là vấn đề các doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước quan tâm.

CôngThương - Cần có chính sách phát triển hài hòa

Từ năm 2010, Việt Nam không còn nằm trong top 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất theo xếp hạng của A.T.Kearney và cũng rời khỏi top 30 quốc gia đang phát triển có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới. Tuy nhiên, theo nghiên cứu và đánh giá của giới chuyên môn, Việt Nam vẫn là thị trường bán lẻ có nhiều tiềm năng và cơ hội, nhất là trong đầu tư vào bán lẻ hiện đại. Thực tế cho thấy, số cơ sở bán lẻ hiện đại ở Việt Nam còn rất ít, tính đến cuối năm 2013 cả nước mới có 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại các loại, cùng vài trăm cửa hàng tiện lợi. Theo ông Trần Nguyên Năm - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) xu hướng phát triển của thị trường phân phối bán lẻ tại Việt Nam đang bùng nổ các loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Một số tập đoàn bán lẻ lớn đang gia tăng thăm dò, tìm kiếm cơ hội đầu tư bán lẻ hoặc bắt đầu hoạt động tại Việt Nam như Walmart, Auchan, Robinson.

Cơ hội còn nhiều nhưng để DN trong nước cạnh tranh được với các DN ngoại trên sân nhà lại không dễ. Tại Hội thảo “Chính sách đầu tư và xu hướng phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam” vừa được Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) tổ chức, ông Nguyễn Tiến Vượng- Phó Tổng giám đốc Hapro - cho biết: Chúng tôi chấp nhận cạnh tranh, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước cần rõ ràng và chi tiết hơn trong việc quy hoạch phát triển mở rộng mạng lưới siêu thị. Ông Phạm Đình Đoàn - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phú Thái - cho rằng, để mở cửa thị trường bán lẻ, song song với sử dụng các hàng rào kỹ thuật, nên chấp thuận cho các DN trong nước liên doanh với nước ngoài nhằm tăng tiềm lực tài chính, học hỏi công nghệ bán hàng, quản trị DN.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch AVR:

Việc có mặt các liên doanh với nước ngoài tại thị trường bán lẻ Việt Nam nên nhìn nhận như một tín hiệu tích cực chứ không phải theo hướng bị thôn tính hay bị nuốt trọn. Chúng ta nên coi đây là những cuộc M&A như hoạt động bình thường, có hiệu quả nhất cho DN và toàn thị trường.

Doanh nghiệp nội cần công bằng chứ không phải ưu tiên

Thay vì kêu gọi ưu tiên, bảo hộ, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, điều mà DN bán lẻ nội cần chính là sự công bằng để có thể cạnh tranh lành mạnh. Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội- bày tỏ: Muốn phát triển ngành bán lẻ Việt Nam thì phải tạo sân chơi công bằng lành mạnh, DN không cần ưu tiên mà chỉ cần bình đẳng.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch AVR - nhấn mạnh, thông điệp của hiệp hội là không phải dự án đầu tư bán lẻ nào cũng trải thải đảm đỏ mời gọi, DN nội cũng đã lớn. Đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên các nhà quản lý phải cân nhắc khi cấp phép. Không nhất thiết phải bảo hộ DN trong nước, nhưng quan trọng phải minh bạch và rõ ràng trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.

Nguồn: Báo Công Thương