Ngày 29 tháng 5 năm 2014, tại Thủ đô Astana (Cộng hòa Kazakhstan), Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko và Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbaev đã chính thức ký Hiệp định về Cộng đồng kinh tế Á – Âu (tiền thân là Hiệp định về liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan được ký kết năm 1995).

Để tuân thủ theo những cam kết đã được ký tại Hiệp định về Cộng đồng kinh tế Á – Âu (EEC), các quốc gia thành viên đang tiến hành sửa đổi một số quy định pháp luật nội địa liên quan đến những lĩnh vực như: hải quan, thuế, chứng nhận xuất xứ…, trong đó việc thay đổi luật pháp về các biện phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) có ý nghĩa quan trọng do xác định ngành sản xuất trong nước, theo quy định mới của Hiệp định sẽ là thị trường chung của cả 3 nước thành viên.

Theo thông tin của East Time thuộc Học viện dự đoán và phân tích chiến lược (SAFI) có trụ sở tại Nga, ngày 26 tháng 9 năm 2014, Kazakhstan đã hoàn thành dự thảo sửa đổi, bổ sung một số quy định về pháp luật chống bán phá giá từ nước thứ ba để phù hợp với cam kết mới. Việc thay đổi luật như vậy nhằm đảm bảo sự thống nhất và phù hợp giữa các thành viên của Cộng đồng kinh tế Á-Âu trong việc ứng phó với các vấn đề về phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu vào nội khối.

Theo điều 29 của Hiệp định phòng vệ thương mại của Cộng đồng kinh tế Á – Âu, hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sẽ do doanh nghiệp đơn lẻ hoặc Hiệp hội các nhà sản xuất trong nước  nộp. Điều kiện để đơn yêu cầu hợp lệ theo quy định của Hiệp định đó là đơn phải được 25% tổng số các nhà sản xuất trong nước ủng hộ và lượng sản xuất của những nhà sản xuất này phải chiếm trên 50% tổng lượng sản xuất trong nước của cả Cộng đồng kinh tế Á – Âu chứ không phải chỉ riêng của Kazakhstan (theo quy định cũ của Kazakhstan).

Mặt khác, cũng theo Hiệp định này, quyền tiến hành điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại của Cộng đồng sẽ được trao cho một cơ quan là Cục bảo vệ thị trường nội địa (Department for Protection of the Domestic Market) thuộc Ủy ban kinh tế Á – Âu, đồng thời quyết định cuối cùng áp dụng các biện pháp sau khi kết thúc điều tra sẽ được Hội đồng của Ủy ban kinh tế Á – Âu ban hành, bao gồm 9 Ủy viên đến từ 3 quốc gia thành viên. Cơ chế này cũng tương tự cơ quan điều tra của Liên minh Châu Âu.

Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành đàm phán Hiệp định Thương mại tự do FTA với Liên minh hải quan/Cộng đồng kinh tế Á-Âu (VCUFTA), những thay đổi về pháp luật các thành viên của cho thấy sự phù hợp giữa quy định nội bộ thành viên khi chính thức gia nhập Cộng đồng.

Nguồn: Phòng Điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước-

Cục Quản lý cạnh tranh