Từ ngày 10 đến 16/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã tham gia đoàn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đi thăm 3 nước Ả-rập Xê-út, Tuy-ni-dy và An-giê-ri.
 
Chuyến đi nhằm tăng cường và thúc đẩy hơn mối quan hệ kinh tế- thương mại và hợp tác công nghiệp giữa Việt Nam và 3 nước nói trên, đặc biệt trong các lĩnh vực trao đổi thương mại, hợp tác dầu khí và xuất khẩu lao động. Trong thời gian ở thăm 3 nước, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã tham dự các hoạt động trong khuôn khổ chương trình chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Tại Ả-rập Xê-út, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Vua Abdullah bin Aziz Al Saud, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Dầu khí và Khoáng sản Ả-rập Xê-út Ali Al Naimi đã thay mặt Chính phủ hai nước ký Nghị định thư hợp tác trong lĩnh vực dầu khí và khoáng sản. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ả-rập Xê-út với sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
Ả-rập Xê-út có dân số 28,7 triệu người và là thị trường có nhiều tiềm năng với nguồn tài chính dồi dào, khả năng thanh toán cao ở Trung Đông. Nhờ có nguồn tài nguyên dầu lửa và khí đốt, Ả-rập Xê-út đã phát triển mạnh ngành công nghiệp dầu khí, đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn mỗi năm và trở thành nước đứng đầu trong OPEC. Quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út phát triển tích cực những năm gần đây. Trao đổi buôn bán hai chiều tăng nhanh. Năm 2007, Việt Nam xuất khẩu 51,5 triệu USD và nhập khẩu 131,0 triệu USD. Năm 2008, các con số này tương ứng là 118,3 triệu USD và 173,2 triệu USD. Năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới nên xuất đạt 82,4 triệu USD, trong khi đó nhập khẩu của Việt Nam đạt 351 triệu USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường này gồm có: dệt may, máy tính và sản phẩm điện tử và linh kiện, giầy dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, hạt tiêu, sản phẩm chất dẻo, gạo, chè, hải sản, cà phê. Ngược lại, các mặt hàng Việt nam nhập khẩu gồm: chất dẻo nguyên liệu, hoá chất, sản phẩm hoá chất, thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu chế biến, sắt thép các loại là những thế mạnh của Ả-rập Xê-út.
Hàng năm, Ả-rập Xê-út có nhu cầu nhập khẩu với số lượng lớn các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu. Đây còn là thị trường vốn có tiềm năng rất lớn (gồm đầu tư, tài chính, ngân hàng...) do nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu dầu khí và là thị trường có nhu cầu cao về nhập khẩu lao động (có khoảng 7 triệu công nhân lao động người nước ngoài làm việc chủ yếu trong ngành dầu lửa, dịch vụ, xây dựng, giúp việc gia đình). Đối với lĩnh vực hợp tác dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có những tiếp xúc và đã ký Biên bản hợp tác với Tập đoàn dầu lửa ARAMCO của Arập Xêút để tăng cường tới hợp tác song phương. Tháng 6 năm 2009, Bộ trưởng Dầu khí Ả-rập Xê-út Ali Al Naimi đã sang thăm và làm việc với Bộ Công Thương để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực dầu khí giữa hai nước, đặc biệt là việc Việt Nam nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm xăng dầu từ thị trường này cũng như hợp tác đầu tư trong lĩnh vực dầu khí với phía bạn.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của Nguyên thủ quốc gia Việt Nam tới Ả-rập Xê-út kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21 tháng 10 năm 1999. Sự kiện này, trong đó có việc Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ký Nghị định thư hợp tác trong lĩnh vực dầu khí và khoáng sản và tham dự Diễn đàn doanh nghiệp hai bên cùng với việc phía Ả-rập Xê-út đã có công hàm chính thức thông báo đồng ý thành lập Uỷ ban Hỗn hợp hai nước, đánh dấu một bước quan trọng trong quan hệ song phương và mở ra một thời kỳ mới trong trao đổi thương mại và hợp tác dầu khí giữa hai nước, góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai bên.
Tại Tuy-ni-dy, quốc gia nằm ở Bắc Phi với dân số 10,5 triệu người, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Tuy-ni-dy. Hợp tác giữa Việt Nam và Tuy-ni-di thời gian qua vẫn còn hạn chế. Hai bên đã thành lập Uỷ ban Liên Chính phủ, về phía Việt Nam do Bộ Công Thương là đồng Chủ tịch. Trao đổi thương mại hai chiều còn khiêm tốn, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Tuy-ni-dy tăng đều trong những năm gần đây với các mặt hàng chủ yếu là cà phê, hàng hải sản, hạt tiêu, vải, hạt điều, Việt Nam nhập khẩu từ Tuy-ni-dy khá ổn định và chủ yếu là phân bón các loại, chất dẻo nguyên liệu, hàng hải sản, dầu mỡ động vật. Hiện nay, hợp tác dầu khí giữa hai nước đã có bước phát triển tích cực. Tổng Công ty PVEP thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang khai thác lô Tanit và lô GUELLALA tại Tuy-ni-dy với vai trò là người điều hành nắm giữ 60% vốn tham gia. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đưa hợp tác kinh tế thương mại và dầu khí giữa hai nước lên một tầm cao mới.
Tại An-giê-ri, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có các cuộc gặp làm việc song phương với Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Công nghiệp An-giê-ri và tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – An-giê-ri. Việt Nam và An-giê-ri có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp và hai bên đã trao đổi nhiều đoàn các cấp sang thăm lẫn nhau. Về trao đổi thương mại, mặc dù An-giê-ri hiện là một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam tại Châu Phi nhưng kim ngạch thương mại song phương vẫn còn khiêm tốn và chủ yếu là Việt Nam xuất khẩu sang An-giê-ri với các các mặt hàng như cà phê, gạo, hàng hải sản, hạt tiêu. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng từ 17,8 triệu USD năm 2008 lên 83,0 triệu USD năm 2009.
Về hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, hiện nay Tổng Công ty PVEP thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang tham gia 40% quyền lợi và nghĩa vụ trong Hợp đồng tìm kiếm dầu khí tại các Lô 433a và 416b trong vùng Touggourt ở Đông Nam An-giê-ri. Kết thúc giai đoạn 1 của thời kỳ tìm kiếm và thăm dò (từ tháng 6 năm 2003 đến tháng 6 năm 2006), PVEP đã phát hiện hai giếng dầu. Giai đoạn 2 (từ tháng 6 năm 2006 đến tháng 6 năm 2008), PVEP và các nhà thầu đã hoàn thành và phát triển toàn lô Hợp đồng với tổng chi phí ước tính khoảng 455 triệu USD. Trong chiến lược phát triển, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn xác định An-giê-ri là một trọng điểm và đầu mối quan trọng để mở rộng hợp tác đầu tư trong lĩnh vực dầu khí sang khu vực Bắc Phi. Các cuộc gặp gỡ, làm việc của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng với những người đồng cấp trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã góp phần nâng tầm quan hệ hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và dầu khí giữa hai nước lên một tầm cao mới trong thời gian tới.
Chuyến công tác của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã thành công tốt đẹp trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và kết thúc vào ngày 16/4/010.

Nguồn: Báo Điện tử Công Thương