Với 90 dòng thuế được cắt giảm, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (FTA VN-EU) mở rộng hơn cơ hội cho doanh nghiệp Việt. Dù vậy, để xuất khẩu được vào thị trường này vẫn không vì thế mà dễ dàng.

CôngThương - EU, thị trường chính của hàng loạt các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như: May mặc, giày dép, nông sản… Đặc biệt, khi FTA VN-EU được ký kết, cơ hội mở rộng thị phần cho các doanh nghiệp Việt là khá khả quan.

Bà Maylis Labayle- Giám đốc chính sách của Eurocham tại Việt Nam khẳng định: FTA VN-EU được ký kết, hàng rào thuế quan được xóa bỏ, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào EU sẽ có tính cạnh tranh cao hơn. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU vào Việt Nam sẽ thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ giúp cho tính ổn định cũng như khả năng xuất khẩu hàng hóa Việt sang thị trường EU cao hơn. Tuy nhiên, bà Maylis Labayle cũng cho rằng: Giá rẻ là điểm mạnh của hàng hóa Việt. Thế nhưng, khi FTA VN-EU trở thành hiện thực giá lại không là yếu tố quan trọng mà chất lượng hàng hóa mới là yếu tố quyết định.

Làm rõ hơn nội dung này, bà Phan Thị Thanh Xuân- Tổng thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam cho hay: FTA VN-EU được ký kết, hàng rào thuế quan gần như được xóa bỏ hoàn toàn khi đó chất lượng hàng hóa trở thành yếu tố cạnh tranh chính. EU là thị trường khó tính, các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn cho sản phẩm nhập khẩu luôn được cập nhật, bổ sung. Đây chính là rào cản lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này.

Với kinh nghiệm gần 10 năm xuất khẩu chè sang EU, ông Thân Dỹ Ngữ, Giám đốc công ty TNHH Hiệp Thành-Ecolink chia sẻ: Chè của Việt Nam xuất khẩu vào EU đang giảm dần về số lượnggiá và cả thị phần. Năm 2007, 20% tỷ trọng chè xuất khẩu của Việt Nam là vào EU hiện chỉ còn khoảng 7%. 10 thị trường xuất khẩu chè nhiều nhất của Việt Nam cũng không còn thị trường nào thuộc khối EU.

Theo ông Ngữ, sự tuột dốc này mang tính hệ thống, từ việc chè Việt trên thị trường EU không có nhận dạng xuất xứ nguồn gốc, dư lượng hóa chất quá cao, thương hiệu chè Việt trên thị trường quá mờ nhạt, không có chứng nhận trách nhiệm xã hội trong sản xuất. "Chất lượng hàng hóa không ổn định mới thực sự là nguyên nhân khiến lượng xuất khẩu chè sang EU ngày một giảm”, ông Ngữ nhấn mạnh.

Cũng là doanh nghiệp khá “trầy trật” khi tiến vào thị trường EU, ông Nguyễn Văn Hùng- Trưởng phòng XNK, Công ty CP sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn cho biết: Sau 2 lần xuất được hàng vào thị trường EU, chúng tôi đã phải tạm ngừng. Do đối tác yêu cầu kỹ thuật quá cao, chất lượng sản phẩm ngoài việc đáp ứng còn phải kèm theo nhiều giấy tờ chứng minh... vượt quá khả năng đáp ứng của doanh nghiệp.

Có thể nói, chất lượng hàng hóa là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt mở rộng cánh cửa vào thị trường EU, nhất là trong bối cảnh giá không còn chiếm vị trí hàng đầu trong cuộc chiến cạnh tranh trên thị trường thế giới nữa. Tuy nhiên, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của các nhà nhập khẩu EU không phải là bài toán dễ giải bởi còn liên quan đến năng lực tài chính, đầu tư công nghệ, khả năng đáp ứng các yêu cầu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Nguồn: Báo Công Thương