(TBKTSG Online) - Ngành da giày Việt Nam đang phải đối mặt với các rào cản kỹ thuật trong thương mại trên thị trường châu Âu, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và Việt Nam đang chuẩn bị ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.
Tại buổi hội thảo khởi động dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp Da – Giày đáp ứng tốt hơn các qui định an toàn sản phẩm” diễn ra sáng 30-9, các chuyên gia nhận định, ngành công nghiệp da giày Việt Nam còn nhiều hạn chế như thiếu thông tin và hiểu biết thấu đáo về quy chuẩn, tiêu chuẩn pháp lý và tiêu chuẩn tư nhân tại thị trường EU, cũng như thiếu tiêu chí về an toàn sinh thái,…
Khó khăn, thách thức còn nhiều
Tại buổi hội thảo, Viện trưởng Viện Dệt may Nguyễn Văn Thông nhận định các khó khăn của doanh nghiệp da giày hiện nay là lượng khách hàng ít, nguồn cung ứng vật tư, hóa chất, dụng cụ còn khó khăn. Riêng đối với thị trường EU, ông Thông cho rằng, doanh nghiệp da giày xuất khẩu của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức như thiếu thông tin và hiểu biết thấu đáo về quy chuẩn, tiêu chuẩn pháp lý và tiêu chuẩn tư nhân tại thị trường EU; kết quả thí nghiệm và chứng nhận của Việt Nam chưa được các người mua quốc tế thừa nhận.
Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có đầu mối quản lý, cung cấp một cách hệ thống và cập nhật các yêu cầu tuân thủ của thị trường nhập khẩu, các doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn trước chi phí xuất khẩu; nguy cơ mất thị trường, khó xâm nhập thị trường khi các nhà sản xuất trong nước chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu,…
Theo các tiêu chí an toàn sinh thái sản phẩm da giày thì khảo sát cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp chưa quan tâm đến các tiêu chí khá cao, tập trung chủ yếu vào nhóm doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu, sản xuất da giày tiêu dùng nội địa. Tỷ lệ doanh nghiệp đáp ứng được các chỉ tiêu an toàn sinh thái sản phẩm của EU là rất thấp, phần lớn các doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề này.
Giải pháp nào?
Những năm gần đây kim ngạch xuất khẩu da giày sang thị trường EU có sự suy giảm đáng kể một phần do các tiêu chuẩn an toàn đối với sản phẩm da giày nhập khẩu của EU ngày một dày đặc. Doanh nghiệp da giày Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn này.
Phó viện trưởng Viện Dệt may – Da giày và Thời trang Bùi Văn Huấn khẳng định, an toàn sinh thái sản phẩm da giày là vấn đề khá mới mẻ và khó đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất xuất khẩu, các hộ sản xuất tiêu thụ nội địa.
Ông Nguyễn Văn Thông khẳng định trong tình hình hiện nay cần có các giải pháp cụ thể đáp ứng yêu cầu người mua như tạo đầu mối thu nhập, cập nhập và phổ biến thông tin về yêu cầu người mua tại các thị trường xuất khẩu bao gồm EU; phát triển các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về kỹ thuật an toàn và sinh thái cho sản phẩm da giày. Các doanh nghiệp cũng cần phải có các biện pháp tìm hiểu, thay đổi để đáp ứng được yêu cầu của người mua.
Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp da giày đáp ứng tốt hơn các quy định an toàn sản phẩm” dự kiến sẽ triển khai trong thời gian 30 tháng với tổng mức kinh phí là trên 314.000 euro sẽ cung cấp thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; tiếp cận dịch vụ kiểm nghiệm với giá cả phù hợp và được chứng nhận bởi khách hàng quốc tế.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da, Giày, Túi xách Việt Nam, Điều phối viên dự án, kết quả dự kiến của dự án sẽ là 3 phòng thí nghiệm hiện tại của Việt Nam được nâng cấp, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận và công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế; 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa được đào tạo và tập huấn thông qua dự án sẽ nâng cao năng lực xuất khẩu do đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ thuật của EU, tăng doanh thu xuất khẩu vào giai đoạn cuối của dự án và sau khi dự án kết thúc. Như vậy cần gia tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nguyên phụ liệu da giày tham gia vào dự án này.
Nguồn: TBKTSG
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam