Cơ hội thâm nhập thị trường Ô-man
30/09/2014 16Do có cảng biển nước sâu và có vị trí thuận lợi, tái xuất khẩu hàng hóa là một trong những hoạt động kinh tế quan trọng của Ô-man. Hợp tác với Ô-man, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ có cơ hội thâm nhập thị trường Ô-man mà còn có thể thông qua Ô-man, đưa hàng hóa xuất khẩu sang các nước và khu vực xung quanh.
CôngThương - Theo quy định tại Luật đầu tư nước ngoài của Ô-man (The Foreign Capital Investment Law), các doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập tại Ô-man phải có ít nhất 35% tài sản thuộc sở hữu của công dân Ô-man. Tỷ lệ này thấp hơn so với UAE (doanh nghiệp thành lập tại UAE phải có ít nhất 51% giá trị tài sản thuộc sở hữu của công dân UAE), cho thấy mức độ thông thoáng của Ô-man trong quy định pháp lý về đầu tư nước ngoài.
Ô-man có môi trường kinh doanh cởi mở, thông thoáng, tôn trọng nguyên tắc “thị trường tự do”, tôn trọng tính pháp lý tối cao của hợp đồng, thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, áp thuế nhập khẩu thấp, thuế thu nhập doanh nghiệp thấp. Tài sản vốn và lợi nhuận của doanh nghiệp được tự do di chuyển ra nước ngoài. Tại Ô-man không quy định thuế thu nhập cá nhân. Cá nhân được tự do chuyển tiền ra nước ngoài. Doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập trong thời hạn 5 năm kể từ khi thành lập, đối với doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực ưu tiên được miễn thêm 5 năm tiếp theo.
Đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên có cơ hội được tiếp cận các khoản vay từ Chính phủ với mức lãi suất ưu đãi rất thấp hoặc bằng không. Khi xây dựng nhà máy, các nhà đầu tư được nhập khẩu miễn thuế các loại máy móc thiết bị tư liệu sản xuất. Nếu là doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu thô và được tiếp cận bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Bộ Công Thương Ô-man áp dụng “cơ chế một cửa” đối với việc đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Lực lượng lao động tại Ô-man được đánh giá là có trình độ tay nghề cao và có thể sử dụng thành thạo song ngữ: tiếng Ả-rập và tiếng Anh.
Chính phủ Ô-man đang rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, gồm cảng biển, sân bay, khu kinh tế tự do, khu chế xuất, đường sắt, đường bộ, các cơ sở y tế và giáo dục.
Theo báo cáo “Doing Business 2013 Report” của Ngân hàng Thế giới công bố tháng 10/2013, Ô-man đứng ở vị trí số 44 trong 185 nước được xếp hạng xét về chỉ số mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh, cao hơn nhiều so với nhiều nước khác ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Trong 6 năm qua, Ô-man đã giảm số lượng các bước/thủ tục cần thực hiện để một doanh nghiệp có thể đi vào hoạt động từ 10 xuống còn 5. Đồng thời, thời gian cần thiết để hoàn tất các thủ tục giảm từ 38 ngày xuống còn 8 ngày.
Hiện nay, khoảng 50% giá trị GDP, 85% giá trị xuất khẩu hàng hóa, 80% doanh thu ngân sách của Ô-man phụ thuộc vào ngành công nghiệp dầu khí. Ô-man có dự trữ dầu mỏ khoảng 5,5 tỷ thùng, đứng thứ 25 trên thế giới. Năm 2012, Ô-man sản xuất 930.000 thùng/ngày. Dự trữ khí đốt của Ô-man khoảng 850 tỷ m3, đứng thứ 29 trên thế giới.
Do dự trữ năng lượng của Ô-man có hạn, Ô-man đang cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế thông qua khuyến khích đầu tư nước ngoài, thực hiện chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh tư nhân hóa. Ô-man đặt mục tiêu đến năm 2020, các lĩnh vực kinh tế “phi dầu khí” sẽ đóng góp tới 81% giá trị GDP.
Nguồn: Báo Công Thương
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam