Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang chưa thoát khỏi khủng hoảng, các ngành sản xuất nói chung và đặc biệt là ngành sản xuất thép nói riêng của Ấn Độ đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong số các sản phẩm thép đang gặp khó khăn tại thị trường Ấn Độ, nổi bật lên là hai nhóm sản phẩm: thép cuộn cán nóng và thép cốt bê tông.

Tại Trung Quốc, thép cuộn cán nóng (HRC) đang được niêm yết ở mức 503 USD/tấn. Chi phí vận chuyển từ Trung Quốc đến Ấn Độ trung bình là 17 USD/tấn, như vậy tổng chi phí cho 1 tấn thép cuộn cán nóng của Trung Quốc khi bán tại thị trường Ấn Độ là 520 USD, vẫn thấp hơn 47 USD so với mức giá hiện hành tại Ấn Độ là 567 USD/tấn. Trong khoảng 5-6 tháng qua, giá nhập khẩu HRC tại Ấn Độ giao động ở mức 535-545 USD/tấn.

Bên cạnh đó, giá thép cuộn cán nóng ở Ấn Độ hiện đang cao hơn nhiều so với giá giao ngay tại thị trường hầu hết các nước trong Khối thịnh vượng chung các quốc gia độc lập (CIS)[1]. Đây là khối các quốc gia có công suất và sản lượng thép lớn thứ 5 trên thế giới và cũng là khối các quốc gia xuất khẩu quặng thép lớn thứ 3 trên thế giới[2]. Thép cốt bê tông cũng là mặt hàng mà giá thép tại Ấn Độ cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới, theo đó thép cốt bê tông hiện đang được niêm yết ở mức 583 USD/tấn tại Ấn Độ, so với 433 USD/tấn tại Trung Quốc và 538 USD/tấn tại các nước CIS[3].

Nguồn: Báo cáo của Motilal Oswal Securities

Ngành sản xuất thép trong nước của Ấn Độ gần đây còn chịu tác động tiêu cực khi giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc giảm ở mức 20% so với giai đoạn trước đó mà nguyên nhân được dự đoán là Trung Quốc đã bán phá giá sang thị trường Ấn Độ do chính sự sụt giảm về nhu cầu và lượng tiêu thụ tại thị trường nội địa của Trung Quốc. Cùng với đó là giá thép tại chính thị trường Ấn Độ lại bị giữ ở mức cao do giá quặng thép nhập khẩu tăng cao.

“Xét về giá bán trên thị trường nội địa Ấn Độ, các sản phẩm thép cốt bê tông của Trung Quốc hiện nay rẻ hơn khoảng 60 USD/tấn so với thép cùng loại của Ấn Độ. Vì vậy, các nhà nhập khẩu của Ấn Độ đã bắt đầu chuyển sang nhập khẩu sản phẩm thép cốt bê tông từ Trung Quốc. Trong tháng 8 việc nhập khẩu thép cốt bê tông đã có sự gia tăng đột biến và việc này có thể sẽ tiếp tục do giá của sản phẩm thép cốt bê tông của Trung Quốc đang ở mức thấp”, Sanjay Jain - chuyên gia phân tích của Motilal Oswal Securities cho biết.

Một quan chức thuộc Bộ Công nghiệp Thép Ấn Độ cho biết “Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8, việc nhập khẩu thép tại Ấn Độ đã tăng khoảng 22-23% so với cùng kỳ năm trước. Ấn Độ hiện đang theo dõi chặt chẽ diễn biến này”. Theo số liệu của Bộ Công nghiệp Thép Ấn Độ, giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2014, nhập khẩu thép tại Ấn Độ đạt 1,66 triệu tấn. Vị quan chức này cho biết thêm, hiện nay thép nhập khẩu từ Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc vào thị trường Ấn Độ đang tăng lên. Thép nhập khẩu từ Nhật Bản tăng lên 527 nghìn tấn trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, nhập khẩu thép từ Hàn Quốc tăng 28% tương ứng với 657 nghìn tấn.

Đại diện của ngành công nghiệp thép cho biết “Sự gia tăng nhập khẩu, cùng với tăng trưởng công nghiệp thấp, đang tác động đến các công ty thép của Ấn Độ. Mức thuế nhập khẩu thấp, do hiệu lực của các hiệp định thương mại tự do (FTA), đã ảnh hưởng đến giá thép sản xuất trong nước”. Theo thống kê từ Hải quan Ấn Độ, khoảng 70% thép nhập khẩu vào Ấn Độ là thông qua các Hiệp định thương mại tự do mà Ấn Độ đã ký kết với các nước khác.

Shivramkrishnan, giám đốc thương mại của Essar Steel[4], nói “Ngành công nghiệp sản xuất thép của Ấn Độ đang băn khoăn và lo ngại giữa nguy cơ về giá nguyên liệu đầu vào cao (do sự thiếu hụt nguồn cung từ lệnh cấm khai thác quặng tại bang Odisa và các bang khác của Tòa Tối cao[5]) và giá thép nhập khẩu từ nước ngoài rất thấp. Vì vậy chính phủ cần phải xem xét về khả năng cung ứng các nguyên vật liệu đầu vào, như quặng sắt hay khí gas, và đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh nguyên liệu đầu vào này có liên hệ mật thiết với giá thép trên thị trường quốc tế. Mặt khác, cũng theo ông Shivramkrishnan, Chính phủ Ấn Độ cũng cần nhanh chóng rà soát các FTA và tác động của nó đến các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, cũng như các tác động tiêu cực mà các FTA có thể gây ra trong dài hạn nhằm có những giải pháp phù hợp đối với ngành sản xuất trong nước”.

Đứng trước những khó khăn như trên, ngành công nghiệp thép của Ấn Độ đang kiến nghị chính phủ cần loại thép ra khỏi danh mục sản phẩm phải cắt giảm thuế trong các FTA, thực hiện các biện pháp hạn chế nhập khẩu thép từ Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc hiện đang được xem là bán phá giá vào Ấn Độ để bảo vệ các nhà máy thép nội địa của Ấn Độ.

Jain - chuyên gia phân tích của Motilal Oswal Securities cho biết: "các nhà sản xuất thép Ấn Độ đang vận động hành lang với Bộ Công nghiệp Thép Ấn Độ để tiến hành điều tra và áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm bảo vệ thị trường trong nước”. Hiện các nhà sản xuất thép Ấn Độ vẫn đang theo dõi các biện pháp chính phủ có thể sử dụng để bảo vệ ngành thép trong nước.

Nguồn: Tổng hợp từ http://www.business-standard.com/article/markets/high-domestic-steel-prices-may-trigger-import-rush-114092400436_1.html và http://www.worldsteel.org

(Phòng Điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước- Cục Quản lý cạnh tranh)

 

 

 

 

 

-----------------------------------------------------------------------------------------------

[1] CIS gồm 9 quốc gia thành viên cũ của Liên Xô gồm: Armenia, Azerbaijan, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Nga, Tajikistan và Uzebekistan. Urkraina đăng ký là thành viên, tuy nhiên Quốc hội nước này chưa thông qua nghị quyết gia nhập, nhưng hiện vẫn được coi là thành viên liên kết của khối.

[2] Trang 4 – World Steel Figures 2014

[3] Nguồn: http://www.business-standard.com/article/markets/high-domestic-steel-prices-may-trigger-import-rush-114092400436_1.html

[4] Một trong 3 công ty thép lớn nhất của Ấn Độ

[5] Tháng 02 năm 2014, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã ra tuyên bố cấm khai thác quặng tại bang Odisa (bang có trữ lượng quặng lớn nhất Ấn Độ) và một số bang khác đã dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép