Tổng kim ngạch XNK hàng hóa Việt Nam - Hàn Quốc tính từ đầu năm đến hết tháng 8-2014 đạt trên 18 tỷ USD. Trong tương lai, đây sẽ là một trong những thị trường trọng điểm của Việt Nam.

CôngThương - Hàng XK có “chỗ đứng”

Từ khi Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992 đến nay, quan hệ giữa hai nước đã không ngừng phát triển toàn diện và được nâng lên tầm “đối tác hợp tác chiến lược” vào tháng 10-2009.

Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ 0,5 tỷ USD vào năm 1992 lên 27,3 tỷ USD vào năm 2013, tăng 54 lần trong 21 năm qua. Xu hướng tăng trưởng tích cực này vẫn được duy trì trong năm 2014. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2014, thương mại hai chiều Việt Nam – Hàn Quốc đạt trên 18 tỷ USD, trong đó XK đạt 4,4 tỷ USD, NK đạt 13,796 tỷ USD.

Trong giao thương với Hàn Quốc, kim ngạch hai chiều thể hiện sự đa dạng với nhiều loại hàng hóa được trao qua, đổi lại. Theo đó, rất nhiều mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam tìm được “chỗ đứng” tại thị trường này, nổi lên là các sản phẩm dệt may, đồ gỗ và giày dép, thủy sản, cao su.

Cụ thể, tính đến hết tháng 8-2014, một số mặt hàng XK của Việt Nam chiếm kim ngạch khá cao như: Hàng dệt may đạt trên 1,2 tỷ USD tăng 39,9%, tiếp đến là thủy sản 405 triệu USD tăng 47,2%, gỗ và sản phẩm gỗ 309 triệu USD tăng 48,5%, giày dép các loại 208 triệu USD tăng 27,6%. Dầu thô và than đá cũng là những mặt hàng được Hàn Quốc NK với kim ngạch lớn trong cơ cấu hàng NK từ Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, đa số các mặt hàng NK từ Hàn Quốc của Việt Nam thuộc nguyên, nhiên liệu đầu vào quan trọng của sản xuất trong nước. Trong khi XK của Việt Nam chỉ có 8 mặt hàng có kim ngạch XK vượt hoặc xấp xỉ 100 triệu USD/năm (duy nhất XK dệt may đạt trên 1 tỷ USD) thì NK từ Hàn Quốc có tới 20 mặt hàng vượt hoặc xấp xỉ 100 triệu USD/năm, trong đó có 4 nhóm kim ngạch NK vượt trên 1 tỷ USD gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 3,139 tỷ USD, chiếm 22,7% tổng kim ngạch NK từ Hàn Quốc); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; vải các loại; điện thoại các loại và linh kiện. Các mặt hàng NK trên dưới nửa tỷ USD cũng khá nhiều như nguyên phụ liệu dệt may, da giày, sắt thép các loại, kim loại thường khác, chất dẻo nguyên liệu…

Cửa mở cho DN

Đặc điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa XNK có tính bổ sung rõ nét, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp. Theo đó, Việt Nam XK chủ yếu là nông sản, sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép. Ngược lại, Việt Nam NK từ Hàn Quốc sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, có giá cao như: Máy vi tính, điện tử, linh kiện, ô tô nguyên chiếc, linh kiện ô tô, máy móc thiết bị phụ tùng, sắt thép, chất dẻo nguyên liệu, vải các loại, nguyên phụ liệu da giày.

Tuy nhiên, Việt Nam luôn chịu nhập siêu từ Hàn Quốc, mặc dù tăng trưởng XK của Việt Nam sang Hàn Quốc luôn cao hơn tăng trưởng NK.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), để đẩy mạnh XK hàng Việt Nam sang Hàn Quốc đồng thời giảm nhập siêu từ thị trường này, cần duy trì và đẩy mạnh XK các mặt hàng dệt may, giày dép, hải sản, dược liệu, rau quả, than đá… (cần tăng cường các sản phẩm chế biến); ổn định và nâng cao chất lượng hàng XK (nhất là hàng nông, lâm sản).

Đặc biệt, năm 2014 đánh dấu một bước tiến đáng kể trong thương mại Việt Nam - Hàn Quốc khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc được ký kết, giúp hai nước hoàn thành mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương vượt mức 20 tỷ USD trước năm 2015.

Sau khi FTA được ký kết, số lượng, kim ngạch XK một số mặt hàng không ngừng tăng nhanh. Theo các cơ quan phân tích thị trường của Bộ Công Thương, nhu cầu NK các mặt hàng thuỷ hải sản, than đá, dầu thô, giày dép của Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đó là cơ hội tốt để các DN Việt Nam tìm kiếm đơn hàng XK. 

Ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho hay, Bộ Công Thương đang thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng trong việc thúc đẩy XK hàng hóa Việt Nam như tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thông qua nhiều hoạt động có lựa chọn, chia thị trường trọng điểm, trong đó Hàn Quốc được xem là trọng điểm số 1.

Ông Hải khuyến cáo: “Trong chiến lược tiếp cận thị trường Hàn Quốc, các DN nên quan tâm đến việc tìm hiểu và tiếp cận hệ thống phân phối của từng ngành hàng, kết hợp tham khảo kênh thông tin chính thức từ Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc để có sự chuẩn bị cần thiết”.

Nguồn: Báo Hải quan