Từ mấy tháng đầu năm nay, Hải quan Ma-rốc đã tăng cường đấu tranh chống hiện tượng ghi hoá đơn dưới giá trị sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là những mặt hàng đến từ châu Á.

Thủ tục này không mới nhưng nó ngày càng trở nên cứng rắn nhất là đối với hàng dệt may và nông sản chế biến. Các nhà nhập khẩu và các đại lý hàng hoá lo lắng về một "thông tư nội bộ" trong đó hải quan chú ý nhiều hơn tới «những sản phẩm nhạy cảm» đến từ các nước châu Á.
Tổng cục Hải quan Ma-rốc giải thích đang tiến hành những nghiên cứu dựa trên các số liệu ngoại thương và so sánh giá trong nước cũng như quốc tế. Việc cập nhật danh sách các sản phẩm nhạy cảm bắt đầu từ năm 2005 vẫn đang được tiến hành. Điều này giúp trong thời gian đầu có thể xem xét lại danh sách các sản phẩm dệt may và nông sản chế biến.
Từ khi bỏ hệ thống giá tham khảo, hải quan đã thực hiện cơ chế cảnh báo này. Nếu ở dưới một ngưỡng nào đó, các nhà nhập khẩu sản phẩm «có nguồn gốc nhạy cảm» sẽ bị áp dụng những quy định đánh giá.
Nhưng ngoài những điều chỉnh trên là cả một hệ thống đang được chuẩn bị cho hoạt động nhập khẩu. Từ vài tháng nay, một uỷ ban liên bộ dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương đã được thành lập để giải quyết các vấn đề ghi hoá đơn dưới giá trị sản phẩm và gian lận thương mại. Tình trạng gian lận không chỉ đến từ châu Á mà còn đến từ các nước châu Âu. Một số doanh nghiệp thậm chí còn cho biết 50% các vụ gian lận có nguồn gốc từ châu Âu.
Vấn đề hiện nay là đưa ra những biện pháp cho phép giám sát "các thị trường có nguy cơ" và cả truy xuất sản phẩm. Một số biện pháp đã sẵn sàng và sẽ sớm được đệ trình lên một uỷ ban gồm các Bộ trưởng Tài chính và Công nghiệp.
Với việc bùng nổ nhập khẩu và dỡ bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu vào năm 2012 đối với EU và Mỹ trong khuôn khổ FTA, Ma-rốc cần áp dụng những công cụ tự vệ trong nước. Đây là phương tiện hợp pháp để phòng ngừa mọi mối đe doạ đối với sản xuất địa phương trong trường hợp nhập khẩu không trung thực. Một dự thảo luật theo chiều hướng này đang được trình Quốc hội, trong đó có nêu những điều kiện xác định các yếu tố đe doạ và những biện pháp điều chỉnh.
Dự thảo luật điều tiết nhập khẩu
Nhằm giảm tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng trầm trọng, Ma-rốc chuẩn bị thông qua Luật 15-09 về điều tiết nhập khẩu trong đó có tính đến việc tôn trọng những cam kết đa phương hoặc song phương. Ngoài việc giảm thuế xuống còn 0% vào năm 2012 trong khuôn khổ FTA đã ký với EU và Mỹ, Ma-rốc còn phải giảm thuế nhập khẩu trong khuôn khổ các cuộc cải cách thuế quan đã đàm phán với WTO. Tuy nhiên, ông Mohamed Benjelloun, Chánh văn phòng Bộ Ngoại Thương cho biết, việc mở cửa thị trường không được ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước. Do vậy, cần phải thực hiện những công cụ phòng vệ thương mại. Đây là một phương tiện hợp pháp giúp ngăn ngừa mọi đe doạ trong trường hợp nhập khẩu không trung thực (phá giá, trợ cấp) hay nhập khẩu ồ ạt.

Dự thảo Luật 15-09 còn xác định và thiết lập một cách đầy đủ những quy định và thủ tục thực thi các biện pháp chống bán phá giá, bù trừ và tự vệ. Những biện pháp này chỉ được áp dụng đối với một sản phẩm khi nó đe doạ đến nền kinh tế địa phương. Dự thảo Luật cũng quy định những điều kiện xác định các yếu tố đe doạ và những phương thức thực hiện các biện pháp điều chỉnh. Thật vậy, thủ tục thực thi những biện pháp này bắt đầu bằng việc ngành sản xuất trong nước có liên quan gửi đơn lên Bộ Ngoại Thương Ma-rốc. Đơn này sẽ được xem xét để quyết định xem có cần mở cuộc điều tra hay không. Song song với đó, ngay từ khi gửi đơn, việc nhập khẩu sản phẩm bị tình nghi có thể đặt dưới một cơ chế giám sát.
Trong trường hợp phải mở cuộc điều tra, những biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời về giá (thuế chống phá giá, thuế bù trừ hay biện pháp tự vệ) có thể được áp dụng trong khi chờ đợi những kết quả điều tra cuối cùng.
Sau khi điều tra, những biện pháp cuối cùng có thể được thực hiện khi Bộ Ngoại Thương xác định tồn tại những yếu tố chứng minh có gian lận thương mại. Đồng thời, cũng phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu và tổn thất gây ra.
Mặt khác, dự luật này cũng bao gồm những điều khoản liên quan tới các cam kết về giá có thể được những nhà xuất khẩu đưa ra hoặc theo yêu cầu của Bộ Ngoại Thương. Theo chiều hướng đó, một sản phẩm bán phá giá hoặc trợ cấp có thể không phải chịu thuế chống bán phá giá hay thuế bù trừ nếu nhà nhập khẩu cam kết điều chỉnh lại giá sao cho có thể bù đắp được tổn thất.
Dự thảo Luật 15-09 còn quy định sẽ thành lập một uỷ ban giám sát nhập khẩu. Cơ quan này sẽ đặt tại Bộ Ngoại Thương với nhiệm vụ cho ý kiến về tất cả các vấn đề liên quan đến việc thực hiện những biện pháp phòng vệ thương mại.

Nguồn: Cổng Thương vụ Việt Nam