Tính đến giữa tháng 8-2014, Việt Nam đã xuất siêu 2,032 tỷ USD và nhiều khả năng năm 2014 sẽ là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam duy trì trạng thái xuất siêu: năm 2012 xuất siêu khoảng 780 triệu USD, năm 2013 xuất siêu hơn 900 triệu USD.

Ðiểm nhấn nổi bật là xuất siêu năm nay gắn với việc cải thiện mức tăng trưởng xuất khẩu ở cả hai khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế trong nước, cũng như ở nhiều mặt hàng chủ yếu. Cơ cấu tỷ trọng hàng xuất thô, sơ chế giảm và tỷ trọng hàng hóa có hàm lượng chế biến và công nghệ cao tăng; duy trì danh mục hiện là 21 mặt hàng xuất khẩu có giá trị hơn một tỷ USD như năm 2013 và cuối năm có thể thêm 2 đến 3 mặt hàng đạt kim ngạch từ một tỷ USD trở lên. Tất cả 63 tỉnh, thành phố đều có hàng xuất khẩu, trong đó có 15 địa phương đạt quy mô từ một tỷ USD trở lên; 45/63 tỉnh/thành phố xuất siêu và 24 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch hơn một tỷ USD.

Về tổng thể, xu huớng xuất siêu khá ổn định mấy năm gần đây đang cải thiện bức tranh thương mại quốc tế của Việt Nam, duy trì thặng dư cán cân thương mại và thanh toán tổng thể; dự trữ ngoại hối tăng và đạt ngưỡng an toàn tài chính (12 tuần nhập khẩu) theo thông lệ quốc tế; bình ổn tỷ giá (năm 2012 giảm 0,96%, năm 2013 tăng 1,09%, còn 8 tháng năm 2014 chỉ tăng 0,42%) và làm tăng lòng tin vào đồng Việt Nam, góp phần nâng tầm và củng cố vị thế Việt Nam trên thị trường thế giới.

Xuất siêu là kết quả tổng hợp từ các nỗ lực phát triển và quản lý kinh tế vĩ mô và vi mô, cũng như các hoạt động đối ngoại của đất nước. Ngoài WTO, Việt Nam đã ký tám hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán tám FTA khác. Hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đang có đầu tư trực tiếp nước ngoài vào 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, gồm 17 nghìn dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 240 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 110 tỷ USD, tạo ra hơn 18% GDP và 46,3% giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế, 66,2% kim ngạch xuất khẩu và hơn 1,7 triệu việc làm. Hiện nay, 43 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nhờ Chính phủ và các doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết và hoạt động trong khuôn khổ các tổ chức này...

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, để xuất siêu bền vững, cần coi trọng cải thiện tình trạng nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước (tính đến giữa tháng 8 còn nhập siêu hơn 9,9 tỷ USD so với mức nhập siêu khoảng 13,1 tỷ USD cả năm 2013); cũng như tình trạng nhập siêu tập trung vào một số thị trường. Trước mắt, cần quyết liệt triển khai mạnh mẽ các đề án tái cơ cấu tổng thể kinh tế, ngành, sản phẩm và địa phuơng; mở rộng hỗ trợ tín dụng, nâng cao năng lực đổi mới, cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng giá trị quốc tế, vượt qua các rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước; đẩy nhanh các cải cách và biện pháp đồng bộ theo hướng minh bạch, tự do hóa và mở cửa thị trường hàng hóa, tăng cường đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, cũng như các hoạt động quảng bá, khẳng định thương hiệu, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu, xuất siêu...

Nguồn: Nhân Dân