(Thị trường) - Chúng ta phải chấp nhận chia miếng bánh thị trường để doanh nghiệp nội lớn lên...
Sự đổ bộ của một “ông lớn” trong ngành bán lẻ đến một quốc gia khác sẽ kéo theo một loạt hàng hóa, thương hiệu đến với người tiêu dùng bản địa. Tức là, nhà bán lẻ có toàn quyền lựa chọn thương hiệu trưng bày trong không gian của mình.
Cuộc xâm lấn rầm rộ của các hệ thống siêu thị ngoại như Aeon, Lotte Mart trong khoảng hai năm trở lại đây đang dấy lên luồng lo ngại "hệ thống bán lẻ VN sẽ vắng bóng các DN nội".
PGS Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu thương mại, cho rằng "DN Việt chưa thực sự tận dụng tốn những thế mạnh để vươn lên. Nhược điểm của DN Việt là nước đến chân mới nhảy không có nhìn nhận xa, không có chiến lược, phương thức kinh doanh rõ ràng", ông nói.
Chờ nước đến chân mới nhảy?
PV:- Theo ông nói, cuộc xâm lấn của các doanh nghiệp bán lẻ 100% vốn nước ngoài là việc đã được dự báo trước? VN đã có những chuẩn bị như thế nào cho mốc sự kiện 2015 và 2017, thưa ông?
PGS Phạm Tất Thắng:- Việc các doanh nghiệp bán lẻ 100% vốn nước ngoài được tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam từ 2009, trong hai năm trở lại đây, cuộc xâm lấn của các hệ thống siêu thị ngoại như Aeon, Lotte Mart... mới thực sự vào cuộc ồ ạt. Việc này thực chất không phải là điều quá bất ngờ mà đã được VN tính toán từ trước. Điều này thể hiện rõ trong các bản cảm kết WTO, các Hiệp định thương mại tự do với một số nước.
Trước khi mở cửa cho các nước khác chúng ta đã mở cửa cho một số nước EU tham gia vào thị trường bán lẻ VN từ rất sớm như Metro, CP... Sau này là một loạt những nhà phân phối ngoại khác cũng tham gia thị trường bán lẻ của VN.
Từ khi tham gia WTO năm 2007-2008, thị trường bán lẻ VN luôn được đánh giá là thị trường tiềm năng, thị trường đắt nhất hành tinh đối với các nhà phân phối. Xếp hạng này sau đó đã bị tụt xuống và có thời gian chững lại.
Khoảng 2 năm trở lại đây, các nhà phân phối thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn, Thái Lan đã nhìn nhận lại và họ đã tìm thấy những tiềm năng lâu dài ở thị trường VN. Nhất là đứng trước bối cảnh năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ thành lập, năm 2017, hàng rào thuế quan được gỡ bỏ hoàn toàn theo cam kết gia nhập WTO, tận dụng mốc thời gian này các nhà phân phối ngoại đã đổ bộ vào nhiều hơn.
Tôi lấy ví dụ cụ thể như, để đón mốc 2015, năm 2014 đã có một loạt các nhà phân phối Hàn Quốc, Mỹ tham gia vào thị trường màu mỡ này; trong thời gian tới từ 2015 -2017 sẽ chứng kiến hàng loạt các nhà phân phối các nước vào nữa chứ không chỉ dừng lại ở đó.
Điều này thể hiện tầm nhìn, chiến lược đã được các nhà phân phối ngoại tính toán rất kỹ cho một tương lai xa tới cả 5-10 năm, thậm chí còn lâu hơn. Hơn nữa, khi vào xây dựng được hệ thống phân phối, thu được lợi nhuận chắc chắn không thể dưới thời gian 5 năm. Thậm chí như Metro có tới 12 năm nhưng họ vẫn nói cho tới nay là chưa có lãi.
Vậy họ gặp phải khó khăn gì? Thứ nhất, VN vẫn giữ một số tiêu chí để hạn chế sự phát triển cơ sở thứ hai trở đi của hệ thống bán lẻ. Điều này có thể hiểu như thế này: Theo cam kết chúng ta phải mở cửa tức là bất cứ ai vào cũng phải chấp nhận nhưng là chấp nhận với cơ sở thứ nhất (mở cửa cho vào). Còn với cơ sở thứ hai, thứ ba tôi có cho mở hay không thì nó phải bắt đầu từ nhu cầu kinh tế của VN và lúc đó VN mới quyết định có cho phép mở hay không.
Tuy nhiên, rào cản này đến năm 2018 cũng phải loại bỏ, do đó từ nay đến năm 2018 chắc chắn còn nhiều đại gia phân phối bán lẻ ngoại xuất hiện trên thị trường VN.
Thứ hai, là thủ tục để có được đất, giấy phép, điều kiện cần thiết để phát triển hoàn chỉnh hệ thống phân phối của họ.
Thứ ba, vì là nước vào sau nên chắc chắn họ sẽ vấp phải sự cạnh tranh của những người đi trước và thậm chí ngay cả những DN của VN. Chúng ta có thể thấy hiện chúng ta có Sài Gòn Co.opMark, Hapro, OceanMart, Hiway, Eximart những thương hiệu đã có tên tuổi của VN mà họ phải đối mặt.
Thứ tư, hệ thống bán lẻ truyền thống của VN cũng là sự cạnh tranh mạnh mẽ đối với hệ thống bán lẻ hiện đại như chợ truyền thống, chợ phát luồng, hệ thống đường phố, chợ thành thị, cửa hàng tiện lợi nằm ngay ở các khu dân cư. Đặc biệt một số lĩnh vực thức ăn nhanh như phở, bún cũng là đối thủ cạnh tranh của hệ thống phân phối bản lẻ các DN trên thế giới.
Và họ đã làm thế nào? Trước những khó khăn đó họ lại biết tận dụng, nương theo cho phù hợp với điều kiện, kinh tế của VN. Điển hình như Thái Lan, họ đã âm thầm đầu tư vào VN bằng nhiều bước đi đầu tiên là sản xuất, từ nguyên liệu, bao bì như Tập đoàn của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi trong thương vụ mua lại 19 cửa hàng tại Việt Nam của Tập đoàn Đức Metro AG; Tập đoàn Charoen Pokhphand (CP Group) của tỷ phú Dhani Chearavanont...
Thứ hai, thông qua các hội chợ, triển lãm, trưng bày hàng năm họ đã thành công khi giới thiệu thương hiệu hàng hóa của Thái Lan tới người Việt.
Thứ ba, một điều rất đáng nể, họ đã âm thầm phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi trên cả đất nước ta kể cả chợ truyền thống và chợ phát luồng. Sắp tới khi thâu tóm hệ thống phân phối bán buôn của Metro, VN sẽ phải chứng kiến hiện tượng hàng hóa của các nước, đặc biệt trong khối ASEAN xuất hiện nhiều hơn trên thị trường trong nước.
Nhưng VN có sợ không? Phải hiểu đây là cạnh tranh quốc tế và chúng ta phải chấp nhận bằng cách tự nỗ lực vươn lên bằng chính khả năng của mỗi DN.
Thực tế, đã có nhiều DN Việt đã có sự chuyển mình đáng kể. Trong các hệ thống siêu thị hiện đại, hàng VN chất lượng cao chiếm tới 80-95% cả về lượng hàng và mặt hàng. Tuy nhiên, có hai phân khúc chúng ta đang bỏ quên là phân khúc hàng chất lượng rất cao và phân khúc hàng chất lượng vừa nhưng giá rẻ để cung cấp cho nông dân. Phân khúc này đã bị TQ chiếm lĩnh toàn thị trường và có mặt ở toàn bộ chợ truyền thống, chợ Đồng Xuân, chợ Bến Thành...
Tuy nhiên, gần đây có biểu hiện tích cực, nhất là sau sự kiện TQ đặt giàn khoan trái phép tại Biển Đông, lượng hàng TQ giảm đi và lượng hàng Việt tăng lên chút ít. Tất nhiên, việc này vẫn chưa thấm vào đâu.
Vậy DN Việt phải làm gì? DN Việt sẽ không có cách lựa chọn khác ngoài việc bắt buộc phải cố gắng, nhà sản xuất phải thay đổi phương thức sản xuất và cách thức quan hệ với các hộ buôn bán, kinh doanh trong chợ. Đặc biệt nhà sản xuất phải tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá cả phù hợp với sức tiêu thụ của người dân ở nông thôn.
Thứ hai, chính sách mở rộng hơn để hỗ trợ cho hàng Việt vào chợ truyền thống. Quan trọng hơn cả là phải phát động phong trào người Việt ưu tiên người Việt.
PV:- Theo số liệu thống kê, năm 2012, doanh nghiệp bán lẻ ngoại đã chiếm tới 40% thị phần (so với 25% của các doanh nghiệp trong nước). Cùng với cuộc đổ bộ rầm rộ vừa nhắc tới nói trên, có thể nhìn thấy trước viễn cảnh thị trường bán lẻ nhiều tiềm năng của Việt Nam chịu chi phối của các doanh nghiệp ngoại, nói một cách khác là: hệ thống bán lẻ VN sẽ vắng bóng các DN nội.
Ông bình luận như thế nào về những khó khăn cho các DN sản xuất trong nước nói riêng và nền kinh tế nói chung, thưa ông?
PGS Phạm Tất Thắng: - Lạc quan mà nói, tôi tin chắc chắn không vắng bóng DN nội, vì họ cũng đã tự khẳng định được vị trí của mình.
Thứ hai, đàm phán mở cửa, Nhà nước cũng đã tính tới điều này và đã tính tới độ trễ thời gian để các DN Việt tranh thủ thời gian vươn lên.
Thứ ba, bảo lưu một số hàng rào để hạn chế sự xâm nhập ồ ạt của DN ngoại. Tất nhiên, không phủ nhận nếu điều này xảy ra, sự xâm lấn đồng loạt của DN ngoại sẽ tạo sức ép rất khủng khiếp với DN nội.
Nhưng nhìn chung đứng về mặt nghiên cứu có thể thấy, DN Việt chưa thực sự tận dụng tốt những thế mạnh để vươn lên. Thời gian hiện nay còn rất, đây là nhược điểm lớn nhất của DN Việt tức là "nước đến chân mới nhảy", doanh nghiệp bán lẻ nội vẫn chưa có chiến lược, chưa có đường đi nước bước.
Dù với sức ép của DN ngoại trong bán lẻ và phân phối, nhiều DN nội đã bừng tỉnh và bắt đầu chạy đua nước rút. Nhưng cuộc chạy đua này có đi đến đâu không thì "hạ hồi phân giải". Điều này cho thấy tính thiếu chuyên nghiệp, thiếu sự liên kết, không có một quy hoạch sản xuất cụ thể của DN Việt.
Cũng phải khẳng định, khi các nhà phân phối bán lẻ ngoại tham gia vào thị trường họ sẽ là một thành phần kinh tế của VN, vì vậy chúng ta phải làm thế nào để sự xuất hiện của họ sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn. Tức là phải ngăn chặn được chuyển giá, trốn thuế. Phải tạo ra được sự liên kết với doanh nghiệp nội. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và phụ thuộc năng lực vươn lên của DN nội.
Phải nhìn nhận lại bản lĩnh của người Việt!
PV:- Đặt trong bối cảnh hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ hoàn toàn, việc kênh phân phối thuộc về doanh nghiệp ngoại đồng nghĩa các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt chỉ còn cách cạnh tranh sòng phẳng về chất lượng và giá thành với sản phẩm ngoại.
Với những sự chuẩn bị như hiện nay, ông dự đoán như thế nào về sức bám trụ của các doanh nghiệp Việt? Viễn cảnh có thể nhìn thấy trước của doanh nghiệp Việt sẽ như thế nào, nhận thua trên sân nhà (tức là sẽ dẫn tới mất nền sản xuất trong nước) hay nỗ lực để trở thành công xưởng gia công hàng hóa cho các tập đoàn ngoại quốc?
PGS Phạm Tất Thắng: - Chúng ta phải nhìn nhận như thế này, các nhà phân phối ngoại vào đây không có nghĩa họ chỉ bán hàng của họ. Ví dụ như BigC, 100% vốn nước ngoài nhưng có tới 90% hàng hóa Việt Nam chiếm lĩnh siêu thị này. Họ nâng tầm mạng lưới của họ và liên kết với các nhà sản xuất Việt và họ tạo ra bệ đỡ cho thương hiệu và các sản phẩm của Việt Nam.
Dĩ nhiên, trong câu chuyện này chúng ta cũng phải chấp nhận chia miếng bánh thị trường cho họ. Nhưng tôi cho rằng đó là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi chứ không nên nhìn họ vào là chiếm thị trường. Không đúng như vậy.
Sự đổ bộ của một “ông lớn” trong ngành bán lẻ đến một quốc gia khác sẽ kéo theo một loạt hàng hóa, thương hiệu của họ đến với người tiêu dùng bản địa là hiển nhiên. Nhưng nếu hàng Thái vào thị trường bán lẻ VN mà giá cả phù hợp thì phải nhìn nhận theo hướng đại đa số người tiêu dùng sẽ có lợi. Khi người Việt ưu chuộng hàng Thái sẽ không còn lựa chọn hàng kém chất lượng của TQ, đó là điều đáng mừng.
Tiếp nữa cách tiêu dùng hàng Thái sẽ tạo sức ép, hình mẫu để VN vươn lên, đó là nhân tố thúc đẩy DN vươn lên cải thiện chất lượng, giá thành sản phẩm nội. Có vậy DN Việt mới lớn lên được. Đặc biệt các nhà phân phối, sản xuất nội lúc nào cũng muốn bao bọc, ưu đãi sẽ phải tự thay đổi để bám trụ với điều kiện thực tại.
Trong trường hợp DN Việt không tự vươn lên thì chắc chắn phải chấp nhận thua trên sân nhà. Nhưng người việt thông minh không bao giờ chịu thua như vậy.
Như vậy, vấn đề ở đây không phải DN ngoại cắm vào thị trường bán lẻ của VN thì DN nội không chen chân được. Vấn đề là hàng nội có đảm bảo chất lượng để đáp ứng được yêu cầu của họ không. Nếu hàng hóa chất lượng cao như thời gian gần đây, tôi tin chúng ta vẫn có chỗ đứng. Điều này không đáng ngại.
Tất nhiên, đâu đó vẫn còn những sản phẩm chất lượng chưa tốt, đó là lỗi của DN Việt, tự hài lòng không chịu vươn lên. Nhưng hiện nhiều DN đã vươn lên và khẳng định được thương hiệu của mình như gốm xứ, bia.
Còn hiện tượng DN ngoại mua bán thương hiệu, đặc biệt là sự sáp nhập của những tập đoàn xuyên quốc gia, những thương hiệu lớn của VN phải nhìn nhận lại bản lĩnh của người Việt. "Các ông chủ Việt có chịu bán lúa non không"?
PV:- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Đất Việt
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam