Ngay trước vụ lúa mới, những nhà sản xuất nông nghiệp Ma-rốc thông qua hiệp hội của mình, đã kiến nghị với Bộ Ngoại Thương cũng như Bộ Nông Nghiệp về việc Ma-rốc đã nhập khẩu quá nhiều gạo của Ai Cập trong khuôn khổ Hiệp định Agadir. FTA này quy định nhập khẩu gạo được miễn thuế quan và không hạn chế về số lượng.

Theo thư của Hiệp hội những người trồng lúa Ma-rốc (Aprm), năm 2009, Ma-rốc đã nhập khẩu 9.500 tấn gạo, tương đương 51% sản xuất trong nước và chỉ riêng hai tháng đầu năm 2010, nhập khẩu gạo hạt tròn của Ai Cập đã đạt 4.590 tấn. Với nhịp độ tăng trưởng NK như vậy và nếu không có một cơ chế bảo hộ, vụ lúa của Ma-rốc tới đây có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, việc thực hiện một điều khoản phòng vệ đòi hòi những thời hạn rất lâu. Bằng chứng là việc áp dụng biện pháp phòng vệ đối với gạo NK vào Ma-rốc tháng 1/2008 đã cần nhiều tháng điều tra trước khi thực hiện tạm thời trong vòng 200 ngày, rồi bị huỷ bỏ 7 tháng sau đó. Vậy mà, vụ lúa năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, nhất là việc thâm canh lúa sau những trận lụt tại vùng Ghrab. Theo kế hoạch chuyển đổi những cây lương thực bị thiệt hại, Ma-rốc dự kiến sẽ trồng 7000 ha lúa nhờ sự hỗ trợ giống và phân bón của Nhà nước. Việc gieo hạt sẽ bắt đầu vào tháng năm.
Hơn nữa, Kế hoạch phát triển nông nghiệp của Ma-rốc (Kế hoạch Xanh) đã đề ra mục tiêu tăng diện tích trồng lúa lên 9.500 ha với sản lượng trung bình 95 tạ/ha. Nguy cơ bất ổn định trong lĩnh vực lúa của Ma-rốc có thể kéo theo việc người dân không muốn canh tác loại cây này. Ngoài ra, xuất khẩu gạo của Ai Cập lại thay đổi thất thường. Năm 2008, xuất khẩu gạo của nước này đã bị tạm ngừng theo quyết định hành chính vì lý do tăng giá lúa quốc tế.
Để áp dụng biện pháp phòng vệ đối với một sản phẩm, thông qua điều tra, cần phải chứng minh nó gây tổn hại nghiêm trọng đến sản xuất trong nước do việc NK với số lượng lớn tăng liên tục. Việc NK này gây ra hoặc có nguy cơ làm tổn hại đến lĩnh vực sản xuất tương tự trong nước. Cuối cùng, cần phải thiết lập mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu ồ ạt và sự đe doạ gây tổn hại. Đơn thỉnh cầu điều tra phải đưa ra những yếu tố chứng minh được việc tăng nhập khẩu ồ ạt một sản phẩm.
Đối với những nước không ký Hiệp định tự do mậu dịch (FTA) với Ma-rốc, để bảo hộ sản xuất lúa của địa phương, Chính phủ Ma-rốc đánh thuế nhập khẩu gạo rất cao: 140% đối với gạo nguyên hạt và 90% đối với gạo tấm.

Nguồn: Cổng Thương vụ Việt Nam