Hoa quả nhập khẩu không bảo đảm chất lượng là vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, thế nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Chính những lỗ hổng về luật đã khiến công tác quản lý bị buông lỏng, còn hậu quả thì người dân gánh chịu.

CôngThương - Kỳ II:  Cần điều trị tận gốc

Khó từ khâu kiểm soát

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mỗi năm trung bình có trên 100.000 lô hàng nông sản nguồn gốc thực vật với 5-6 triệu tấn được nhập khẩu vào Việt Nam. Thế nhưng, chỉ có 700-1.000 lô hàng (khoảng 1%) có mẫu được kiểm tra dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Tuy nhiên, những quy định tại Thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT còn quá nhiều bất cập khiến doanh nghiệp lợi dụng, cơ quan quản lý bó tay.

Hiện nay, cả miền Bắc mới có một Trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc BVTV đặt tại Hà Nội, được đầu tư đầy đủ trang thiết bị theo tiêu chuẩn, nhưng nguồn kinh phí hạn hẹp. Năm 2012, trung tâm được cấp 3 tỷ đồng/năm, hạn mức kiểm nghiệm là 1.000 mẫu. Năm 2013 – 2014, kinh phí giảm một nửa với hạn mức kiểm nghiệm 700 mẫu. Trong khi đó, tại cửa khẩu, mỗi lô hàng hoa quả nhập khẩu chỉ phải nộp lệ phí 150.000 đồng cho việc kiểm tra hồ sơ, ngoại quan và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP).

Nhiều chuyên gia cho rằng, mặt hàng hoa quả nói riêng và thực phẩm nói chung nếu bị nhiễm độc sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường, sức khỏe con người, thế nhưng ở các cửa khẩu lại không thể đầu tư hệ thống kiểm dịch hiện đại.

Ông Nguyễn Xuân Hồng  - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật  (Bộ NN&PTNT):

 Để xử lý triệt để các vấn đề liên quan tới nhập khẩu hoa quả có chất độc hại, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư 13. Đồng thời, các cơ quan chức năng phải có quy định rõ ràng hơn về thẩm quyền, biện pháp, trình tự xử lý vấn đề này.

Kiểm soát từ gốc

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng - Chi cục trưởng Chi cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Để xử lý triệt để vấn đề này, cần sửa đổi, bổ sung Thông tư 13 với những quy định rõ ràng hơn về thẩm quyền, biện pháp, trình tự xử lý đối với hoa quả nhập khẩu. Các quy định về tái xuất, thu hồi, tiêu hủy, tạm ngừng nhập khẩu, kiểm tra tại gốc ở nước xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc, kể cả việc yêu cầu các cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu xác định nguyên nhân và áp dụng các biện pháp khắc phục. Đồng thời, quy định rõ trong trường hợp nào phải tiến hành truy xuất nguồn gốc, thu hồi các lô hàng vi phạm đã được đưa ra thị trường và thông tin cho người tiêu dùng biết. Yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp giấy chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, kết quả kiểm tra ATTP của cơ quan nước xuất khẩu thì mới được thông quan hàng hóa. Đặc biệt, cần tăng cường phối hợp kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm của doanh nghiệp nhập khẩu, trung tâm bán buôn, bán lẻ; công khai thông tin cho người dân được biết.

Về lâu dài, nhà nước cần rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản luật cho phù hợp với thực tiễn, có chế tài xử phạt thật nghiêm các doanh nghiệp, tiểu thương vi phạm; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa các trung tâm kiểm tra ATTP hàng hóa nông sản; đồng thời có chính sách khuyến khích xây dựng hệ thống dịch vụ logistics, kho bãi chứa hàng đủ để xử lý khối lượng lớn hàng hóa nông sản xuất - nhập khẩu.

Nguồn: Báo Công Thương